Khúc Tái Hồi Cho Người Không Tên

Chương 6



11.

 

Tôi không hiểu vì sao ma cáu kỉnh lại như thế. Chẳng lẽ vì nghĩ đến chuyện cuối cùng cũng có người thay thế mình, nên trong lòng cảm thấy khó chịu? Dù thế nào đi nữa, tôi nhất định sẽ đến Đoàn kịch Mộng Tưởng. Tôi nhất định phải đứng giữa ánh hào quang của mọi người, trình diễn bản Khúc nhạc giấc mơ của riêng mình. Tôi muốn cái tên “Phó Vấn Hạ” khắc sâu vào trí nhớ của tất cả những đứa trẻ học đàn, giống như cái tên Tiêu Lãng năm đó.

 

Từ sau khi tôi cãi nhau với ma cáu kỉnh, anh không còn xuất hiện nữa.

 

Tôi bắt đầu chính thức tham gia luyện tập cùng đoàn, do chính ông Tiêu Như Tùng hướng dẫn. Phía đoàn kịch nói có thể sắp xếp ký túc xá, nhưng tôi từ chối. Bề ngoài thì bảo là tôi quen sống một mình, nhưng trong lòng thì vẫn luôn mong ma cáu kỉnh sẽ tìm đến. Nếu dọn đi, thì sẽ thực sự cắt đứt hết liên lạc, từ nay âm dương cách biệt. Tôi không muốn thế.

 

Mỗi ngày đi ngang căn hộ 502, tôi đều có cảm giác muốn giơ tay lên gõ cửa. Có hai lần suýt gõ xuống rồi, nhưng nghĩ đến việc anh từng chơi đùa tôi như trong lòng bàn tay, tôi lại tức giận quay đầu bỏ đi.

 

Nhành hoa quế cắm trong chai nước suối đã héo rũ, tôi vẫn không nỡ vứt, cứ để nó khô héo thành hoa khô. Tuy sự biến mất của ma cáu kỉnh khiến tôi đau lòng, nhưng luyện tập thì chưa từng lơ là. Cuối cùng, tôi đã được chơi cây đàn Steinway ở chính giữa sân khấu, thế nhưng lại chọc giận ánh mắt khinh bỉ của đồng nghiệp.

 

Trưởng nhóm chơi piano – Tiêu Hàm – người có mái tóc uốn xoăn kiểu Pháp, khiêu khích nói:

“Cô cũng xứng chơi cây đàn này à? Không biết ông tôi sao lại nhận cô vào, chẳng lẽ do giá rẻ?”

Đám đồng nghiệp còn lại bật cười khúc khích.

 

Tiêu Hàm là em họ của Tiêu Lãng. Sau khi Tiêu Lãng qua đời, cô ta được đôn lên làm trưởng nhóm piano của Đoàn kịch Mộng Tưởng. Đoàn kịch cũng ra sức quảng bá hình tượng “em họ của Tiêu Lãng”, “ngôi sao tử vi tiếp theo của nhà họ Tiêu”, nhưng phản ứng từ bên ngoài lại là: thực lực không đủ, khó thành đại khí.

 

Tôi hiểu cô ta đang bất an, sợ bị tôi giành mất chỗ. Thế nên tôi đáp trả:

“Tôi vào đoàn bằng thực lực, đường đường chính chính được chơi cùng một cây đàn với cô.”

Cô ta cười ngọt ngào bỏ đi, để lại một câu mà tôi nghe không hiểu:

“Vậy à? Thứ không thể thấy ánh sáng.”

 

Rồi cũng đến buổi Hòa nhạc Mùa Thu, sự kiện thường niên quan trọng nhất của Đoàn kịch Mộng Tưởng.

 

Tôi chủ động tìm ông Tiêu Như Tùng xin diễn, ông mỉm cười gật đầu:

“Luyện đến vậy rồi, tất nhiên là phải có cơ hội ra tay.”

Rồi lại nói thêm:

“Nhưng cháu còn non, chưa có tiếng tăm, khó kéo khán giả. Lần này cứ làm bản B cho Tiêu Hàm đi.”

 

Tôi biết mình không phải là ngôi sao bỗng chốc vụt sáng như Tiêu Lãng, cũng không phải thiên kim tiểu thư có hậu thuẫn lớn như Tiêu Hàm, có thể được làm bản B cũng đã rất mãn nguyện rồi, nên vui vẻ nhận lời.

 

Tôi tưởng bản B là để dự phòng, lỡ Tiêu Hàm quá tải hay ốm đau thì tôi lên thay. Nào ngờ đến ngày poster buổi diễn được công bố, trên đó hoàn toàn không có tên tôi. Tôi c.h.ế.t sững.

 

Tôi đi tìm ông Tiêu Như Tùng hỏi:

“Ông Tiêu, chẳng phải cháu là bản B sao?”

 

Ông dẫn tôi đến góc hậu trường tăm tối, bật ngọn đèn trần lên. Ánh sáng chói lòa bao phủ tôi và cây đàn cũ kỹ kia. Ông mỉm cười nói:

“Vị trí của cháu là ở đây.”

 

12.

 

Tôi không phải bản B, tôi là kẻ đánh thế từ trong bóng tối.

 

Khúc nhạc giấc mơ – tiết mục kết của Hòa nhạc Mùa Thu – nhìn bề ngoài là do Tiêu Hàm biểu diễn, nhưng âm thanh khán giả nghe thấy lại là tôi đang chơi sau hậu trường. Thảo nào Tiêu Hàm lại nói tôi là “thứ không thể thấy ánh sáng”.

 

Tôi không thể chấp nhận nổi.

 

Đây là một sự sỉ nhục với tôi, càng là một sự báng bổ với âm nhạc.

[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.net.vn -

 

Ban đầu ông Tiêu Như Tùng còn nói năng ôn hòa, bảo Khúc nhạc giấc mơ có ý nghĩa đặc biệt, Tiêu Hàm chơi không ra thần, đoàn kịch muốn tái hiện thời huy hoàng, cần một siêu sao. Mà tôi – tuy có thể chơi tốt bài này – nhưng lại không có tiềm năng để trở thành siêu sao.

 

Thấy tôi không thuận theo, ông liền xé rách lớp mặt nạ. Nói rằng tôi có thể không nhận, nhưng nếu bị Đoàn kịch Mộng Tưởng đuổi, thì sẽ không còn đoàn nào trong giới dám nhận tôi nữa. Từ nay trong giới âm nhạc, tôi không còn đường lui.

 

Ông ta vẫn cười khi nói vậy, nhưng trong nụ cười ấy tôi lại thấy sự dữ tợn.

 

Tôi không biết mình về nhà thế nào, cứ như người mất hồn, đầu óc mụ mị. Mãi đến khi ra khỏi thang máy, xung quanh chỉ còn một mình, cảm giác tủi hờn như thác lũ ập đến, tôi ngồi sụp xuống hành lang, khóc òa lên.

 

Giấc mơ của tôi giờ chỉ là một trò cười.

 

Tôi bị tước đoạt cái tên, tước đoạt khuôn mặt, tước đoạt cả ánh mặt trời. Từ nay về sau, tôi sẽ trở thành một con chuột chũi sống trong bóng tối, sống một cuộc đời âm thầm, ti tiện và không ánh sáng.

 

Nước mắt làm nhòe mắt tôi, làm hình ảnh cánh cửa căn 502 trở nên méo mó — 502! Tôi chợt giật mình.

 

Chẳng lẽ… ma cáu kỉnh đã biết từ trước?

 

Trước kia anh luôn tận tâm hướng dẫn tôi, rõ ràng là mong tôi thi đỗ. Thế nhưng sáng hôm sau ngày Tiêu Hàm đến thăm, anh lại đột ngột thay đổi ý định, tìm mọi cách ngăn tôi đi thi.

 

Nhất định anh đã biết chân tướng.

 

Anh không muốn tôi trở thành một con chuột chũi. Thế mà tôi lại hiểu lầm anh sâu sắc như thế.

 

“Ma cáu kỉnh, mau ra đây! Anh đã sớm biết tôi sẽ phải làm kẻ đóng thế đúng không?”

“Tôi trách nhầm anh rồi. Tôi xin lỗi! Mau ra đây đi!”

 

Tôi đập cửa liên hồi, nhưng không hề có lấy một tiếng đáp. Tôi nhất định phải gặp được anh – ngay lập tức – cho dù anh không đáp lời, thì tôi cũng muốn đến trước linh vị anh, dập đầu tạ lỗi. Đó là lòng biết ơn và hối hận của tôi.

 

Không có chìa khóa, tôi liều dùng cả thân mình đ.â.m thẳng vào cửa.

 

“Bốp” một tiếng, cửa chẳng nhúc nhích, nhưng tôi thì kêu đau. Một chiếc chìa khóa trượt ra từ dưới khe cửa, đập vào chân tôi.

 

Ma cáu kỉnh cuối cùng cũng muốn gặp tôi rồi.

 

Ổ khóa vừa xoay nhẹ, cửa đã mở. Tất cả cửa sổ đều được bịt kín, trong phòng tối đen, chỉ có cánh cửa mở toang để ánh sáng tràn vào — giữa nhà là linh đường.

 

Nhưng tên trên linh vị lại hoàn toàn xa lạ — Lâm Dữ Bạch.

 

Tấm ảnh cũng là một gương mặt lạ. Trẻ tuổi, quật cường, lạnh lùng.

 

“Ma cáu kỉnh?” Tôi ngơ ngác, hoàn toàn không ngờ sau cánh cửa lại là cảnh tượng xa lạ như vậy.

 

Một tiếng thở dài khẽ vang lên trong góc. Âm thanh ấy quen thuộc đến mức khiến tôi chợt thấy lòng an ổn.

 

“Ma cáu kỉnh, là anh sao?” Tôi khẽ hỏi.

 

Giọng nói quen thuộc ấy càng trở nên trầm thấp:

 

“Tôi không phải Tiêu Lãng. Thất vọng không?”


Bạn đang đọc truyện trên truyenvang.com