Khúc Tái Hồi Cho Người Không Tên

Chương 4



7.

 

Địa điểm thi là sân khấu lớn của Đoàn kịch Mộng Tưởng. Hơn hai mươi thí sinh đã vượt qua nhiều vòng tuyển chọn, giờ ngồi đợi ở hậu trường, lòng hồi hộp thấp thỏm. Ai nấy đều mặc lễ phục trang trọng, rực rỡ lộng lẫy, chỉ riêng tôi là sơ mi trắng, váy dài xanh đen, mộc mạc đơn sơ như một học sinh chưa trưởng thành. Tôi không có tiền mua lễ phục. Nhưng khi chạm tay vào nhành quế trong túi, tôi lại nghĩ, tôi không có lễ phục, còn họ thì không có lời chúc của Tiêu Lãng. Lưng tôi thẳng lên, lòng cũng vững vàng hơn.

 

Cuối cùng cũng đến lượt tôi. Tôi đẩy cánh cửa dẫn ra sân khấu, một luồng sáng rực rỡ chói mắt lập tức ập đến, nóng rẫy và áp lực. Chính giữa vầng sáng ấy là một cây đại dương cầm Steinway—loại mà Tiêu Lãng từng chơi.

 

Nhân viên đứng cửa ra hiệu muốn kiểm tra căn cước và giấy báo thi. Tôi gật đầu, đưa tay vào túi lục tìm—nhưng lại trống rỗng. Tôi nhớ rõ ràng mình đã để vào túi này mà? Tiêu Lãng còn dặn đi dặn lại rằng phải mang theo giấy tờ, sáng nay tôi cũng đã kiểm tra thêm một lần. Lưng tôi lập tức toát mồ hôi lạnh. Tôi đổ cả túi ra sàn, mấy món linh tinh rơi lổn nhổn, nhành quế cũng rơi theo… nhưng lại không thấy giấy tờ. Tôi làm mất giấy tờ rồi!

 

“Không có giấy tờ thì không được thi.” Nhân viên lạnh lùng nói.

“Tôi đã qua hai vòng rồi, chắc chắn ban giám khảo còn nhớ tôi…”

“Xin lỗi, quy định là như vậy.” Anh ta quay đầu gọi, “Thí sinh tiếp theo!”

 

Một cô gái mặc lễ phục vàng kim bước ra, tao nhã đưa giấy tờ rồi sải bước tiến vào luồng sáng. Cô ta ngồi xuống trước cây Steinway. Cánh cửa chậm rãi khép lại, ánh sáng bị ngăn cách dứt khoát, còn tôi thì bị chặn ngoài cánh cửa ấy.

 

Tôi không cam tâm. Cô gái đó không thể đàn hay bằng tôi, tôi có thể chơi bản Khúc giấc mơ hay hơn cô ta nhiều. Chính sự “không cam tâm” ấy khiến tôi đau đớn đến nghẹt thở, nước mắt trào ra không thể kìm nén. Nhân viên đưa tôi khăn giấy, tôi cũng chẳng buồn cảm ơn, chỉ ôm mặt chạy trốn.

 

Tôi chạy đến một góc tối trong hậu trường, dựa vào một cây đàn cũ kỹ mà khóc òa.

 

Giấc mơ từ nhỏ của tôi, bao năm nỗ lực, cha mẹ vất vả kiếm tiền ở quê, sự tận tâm dạy dỗ của thầy giáo… và cả sự chỉ dẫn tỉ mỉ của Tiêu Lãng—chỉ vì một sơ suất ngớ ngẩn mà đổ sông đổ biển.

 

Mơ hồ, tôi nghe thấy trên sân khấu bản nhạc kết thúc, buổi thi chấm dứt. Cô gái kia là người thi cuối cùng. Ban giám khảo sắp rời đi, ngày quan trọng nhất trong nửa đời đầu của tôi sắp trôi qua trong bóng tối vô tận.

 

Đột nhiên, tôi nhớ đến cây đàn bên dưới. Đây là hậu trường, tôi nghe thấy âm thanh từ sân khấu—tức là âm thanh ở đây cũng có thể vang đến sân khấu.

 

Tôi còn cơ hội!

 

Tôi lập tức mở nắp đàn, bụi bay lên khiến tôi hắt hơi mấy cái, nước mắt càng chảy nhiều hơn. Tôi dựng điện thoại lên làm đèn soi, phát hiện cây đàn này cũng là một cây Steinway. Tôi thử chơi vài nốt—vẫn chơi được! Dù lệch tông nặng, nhưng chất lượng âm thanh vẫn rất tốt.

 

Tôi hít một hơi thật sâu. Dù không thể trúng tuyển, tôi cũng phải để ban giám khảo nghe thấy tiếng đàn của tôi. Trong bóng tối, tôi không cần bản nhạc, chỉ còn lại âm nhạc thuần túy. Tôi ngồi trước cây đàn phủ đầy bụi, chơi ra một bản Khúc giấc mơ mãnh liệt nhất trong đời mình.

 

Tôi không còn quan tâm đến kỳ thi, chỉ mong tiếng nhạc, tiếng lòng, tiếng gào thét của tôi có thể xé toạc góc tối nhỏ bé này mà vang đến khắp thế giới. Tôi không biết cánh cửa sau lưng mở ra từ bao giờ. Không biết ngoài cửa đã có bao nhiêu người đứng đó.

 

Chỉ biết rằng khi bản nhạc kết thúc, nước mắt tôi tuôn như suối, tôi gục người xuống đàn, tạo nên một âm thanh loạn xạ, rồi bật khóc thành tiếng.

 

8.

 

Căn phòng tối bất chợt bừng sáng. Ánh đèn ấm áp như nắng sớm bao phủ cả tôi và cây đàn. Một tràng vỗ tay giòn giã vang lên, cắt ngang tiếng khóc của tôi.

 

Tôi quay đầu lại, thấy ban giám khảo đang đứng ở cửa—họ đang vỗ tay.

 

Tiêu Lãng từng nói, tay của nhạc sĩ là để chơi đàn, không phải để vỗ tay. Nhưng khoảnh khắc này, rất nhiều nhạc sĩ đang vỗ tay vì tôi.

 

Người đi đầu là một ông lão tóc bạc, tên là Tiêu Như Tùng, cây đại thụ trong giới âm nhạc, người sáng lập Đoàn kịch Mộng Tưởng, cũng chính là ông nội của Tiêu Lãng.

 

“Tiếp tục bản nhạc tự chọn của em đi,” ông nói.

 

Vậy tức là… tôi vẫn được thi tiếp?

Tôi hỏi: “Trên sân khấu ạ?”

“Không, ở đây. Dùng cây đàn này.”

[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.net.vn -

 

Tôi gật đầu mạnh mẽ, bắt đầu chơi bản nhạc mà Tiêu Lãng đã chọn cho tôi.

 

Khoảnh khắc ấy, tôi cảm thấy mình không chỉ thi vì bản thân. Anh rõ ràng không có mặt, nhưng lại như ở khắp mọi nơi. Từng cảm xúc tôi đánh ra đều tỉ mỉ tinh tế, là sự giằng co, quấn quýt, yêu hận giữa tôi và cây đàn.

 

Chính Tiêu Lãng đã dạy tôi cảm nhận được điều đó.

 

Khi bản nhạc kết thúc, không một ai vỗ tay. Tôi cố rút mình khỏi dòng cảm xúc, quay đầu nhìn về phía cửa—Tiêu Như Tùng đang nhìn tôi chằm chằm, ánh mắt sâu thẳm như có thể làm thời gian ngưng đọng. Ông không vỗ tay, nên không ai dám vỗ tay. Vậy tôi còn cơ hội không?

 

“Em trúng tuyển rồi,” Tiêu Như Tùng nói.

 

Lập tức tiếng vỗ tay như sấm vang lên.

 

“A—” Tôi hét lên phấn khích, “Thật ạ? Mất giấy tờ mà vẫn được ạ?”

 

Có lẽ tôi nói thật quá, mấy vị giám khảo đều bật cười.

“Ông Tiêu còn nói em được, thì bổ sung giấy tờ đi thôi.”

“Vâng vâng!” Tôi vui đến mức quay vài vòng, cuối cùng cũng nhớ ra nhẹ nhàng đậy nắp đàn lại:

“Em có thể bắt đầu đi làm bất cứ lúc nào, bất cứ lúc nào cũng được!”

 

Một tiếng cười khẽ vang lên trong nhóm giám khảo, không thân thiện cho lắm, như đang chế giễu sự ngây thơ của tôi. Tôi nhìn sang thì thấy cô gái đêm qua đến căn hộ 502.

 

Vẫn mái tóc uốn sóng kiểu Pháp, vẫn đôi giày cao gót mũi nhọn, vẫn là vẻ mặt ngạo mạn quen thuộc. Tôi đang vui, không so đo, chỉ mỉm cười gật đầu chào cô ta. Cô ta nhướng mày, dường như đã nhận ra tôi, nhưng lại có chút chán ghét.

 

Điền xong đống giấy tờ, đoàn kịch bảo tôi mai bắt đầu tập luyện cùng đoàn—đúng là ước gì được nấy. Tôi vui đến mức chỉ muốn lập tức báo tin cho Tiêu Lãng.

 

Ra khỏi đoàn, hương quế từ một cây quế bên đường lặng lẽ bay đến. Tôi giơ nhành quế Tiêu Lãng tặng lên, dù mấy cánh hoa đã rơi, nhưng nó vẫn thơm hơn cả cây đầy hoa.

 

“Phó Vấn Hạ.” Tiêu Như Tùng gọi tôi. Ông dường như đã đứng chờ sẵn.

“Chào ông Tiêu!” Tôi chạy tới, “Cảm ơn ông đã rộng lượng hôm nay, suýt chút nữa em đã bỏ lỡ kỳ thi.”

 

Tiêu Như Tùng gật đầu: “Là em tự tạo cho mình cơ hội.”

“May mà hậu trường còn cây đàn, tuy cũ nhưng vẫn chơi được.”

 

Tiêu Như Tùng đổi giọng:

“Vòng sơ khảo và phúc khảo em không nổi bật lắm, vậy mà chỉ sau một tháng, lại như biến thành người khác.”

 

Tôi đỏ mặt. Đương nhiên không thể nói thật, đành cười gượng:

“Chắc là… em tập luyện rất chăm chỉ ạ.”

 

Tiêu Như Tùng hiển nhiên không tin, ngược lại còn hỏi:

“Giáo viên của em là ai?”

“Nhậm Cương ạ.”

“Nhậm Cương tôi biết, không giống phong cách của ông ta.”

 

Tôi chợt động lòng, liền hỏi:

“Vậy ông Tiêu thấy em giống ai?”

 

Tiêu Như Tùng nhìn tôi rất lâu, giọng trầm thấp:

“Giống… một người cố nhân.”


Bạn đang đọc truyện trên truyenvang.com