Sáng sớm hôm sau, tôi bị tiếng chim ngoài cửa sổ đánh thức. Ánh nắng nghiêng nghiêng chiếu qua ban công, len vào nhà một cách dịu dàng. Cảm giác ấm áp lan tỏa khắp người, đâu còn chút nào âm u đáng sợ của căn hộ chứa tro cốt nữa.
Tôi trùm chăn, lười biếng mặc bộ đồ ngủ hình hoạt hình, rồi mới lồm cồm bò dậy. Vừa ngẩng đầu đã thấy trên nắp đàn piano có một tờ giấy ghi chú—chính là mảnh giấy hôm qua tôi nhét qua khe cửa phòng 502.
“Cảm ơn anh, tối nay có thể gặp lại không?”
Tôi vừa đọc vừa khẽ bật cười, tự giễu bản thân. Có vẻ sau khi tôi ngủ, anh ta đã đến rồi. Chỉ là… anh ta trả lại giấy cho tôi. Đây là từ chối sao?
Một tia hụt hẫng trào dâng trong lòng tôi. Tôi vò tờ giấy rồi ném thẳng vào thùng rác: “Không gặp thì thôi, có gì to tát, để anh c.h.ế.t tiếp trong cô đơn vậy.”
Đột nhiên mắt tôi sáng rực—mặt sau có chữ?! Tôi lập tức lục thùng rác, lật lại tờ giấy. Trên mặt sau, anh viết ba chữ: “Có tiến bộ.”
Là chữ của anh sao? Anh ta thật sự nghe thấy tối qua. Nhưng sao không “hiện thân”? Không muốn nói chuyện với tôi à?
“Được rồi, tôi không gọi anh là ‘ma cáu kỉnh’ nữa,” tôi hướng về không khí mà nói, “từ giờ gọi anh là thầy Tiêu nhé.”
Bất kể anh ta có ở đó hay không, tôi cứ coi như anh ta nghe thấy.
Tuy “thầy Tiêu” ba ngày liên tiếp không xuất hiện, nhưng sự chỉ dẫn của anh chưa từng ngắt quãng. Mỗi tối tôi đều nhét một tờ giấy qua khe cửa phòng 502, sáng hôm sau lại thấy nó nằm ngay ngắn trên đàn piano, mặt sau luôn là những lời chỉ dẫn ngắn gọn nhưng sắc bén, đánh trúng chỗ yếu hại.
Tiêu Lãng ơi Tiêu Lãng, có phải anh làm ma buồn quá nên muốn nhận một học trò dương gian chơi cùng không?
Thế là tôi càng thêm chăm chỉ. Không thể phụ lòng tốt của anh được.
Đêm đó, tôi chơi bản Giấc mộng chương hay nhất từ trước đến nay. Nhìn rèm cửa lay động trong gió, không hiểu sao tôi lại có cảm giác… anh đang đứng ngay đó.
“Thầy Tiêu, giáo viên của tôi nói tôi đã giống anh bảy phần rồi đó.”
“Thầy Tiêu, tôi biết anh ở đây mà, sao cứ không chịu nói chuyện?”
“Hay để tôi đốt ít vàng mã cho anh nhé?”
“À không, đốt tiền thì quê quá… hay để tôi làm một cây đàn giấy—”
“Cút!”
Một tiếng gào giận dữ vang lên làm tôi giật nảy. Cuối cùng anh cũng xuất hiện!
Sớm không đến, muộn không đến, cứ đúng lúc tôi định làm một cây đàn piano giấy thì lại xuất hiện. Lại còn xuất hiện với điệu bộ cáu bẳn như mọi khi.
“Thầy Tiêu…”
“Ai là thầy cô gì của cô?!”
Anh cắt ngang, giọng nói đậm chất ma quái, lạnh buốt như sương.
Não tôi đơ mất mấy giây. Chẳng lẽ anh không muốn nhận tôi làm học trò? Tôi lắp bắp: “Vậy… gọi thẳng tên anh cũng không được lịch sự lắm…”
“Gọi tôi là ‘ma cáu kỉnh’ thì lịch sự chắc?”
Ơ… quả nhiên anh ta nghe hết.
Tôi lúng túng: “Anh mãi không xuất hiện, tôi lo quá, gọi thử để anh hiện ra…”
“Cô gọi là tôi phải ra hả?”
Trời ạ, tôi ghét nhất kiểu hỏi ngược như thế, áp lực tâm lý kinh khủng.
Nhưng nghĩ đến người đang ở đây chính là Tiêu Lãng—một thiên tài mà tôi từng thần tượng, tôi lập tức yếu thế. “Tôi chỉ muốn cảm ơn anh thôi mà. Anh cứ không chịu hiện ra, tôi đành nghĩ cách đốt ít đồ cúng… hay làm cây đàn nhỏ…”
“Tâm còn không chuyên chú, mãi mãi không nên chuyện.”
Anh khinh thường. Rồi nói tiếp: “Đừng quan tâm tôi là ai, cũng không cần cảm ơn. Cứ luyện đàn cho tốt, theo đuổi ước mơ của cô, khiến cả thế giới lắng nghe âm nhạc của cô, chạm đến linh hồn của họ. Khi ấy, cô mới xứng là một nhạc công chân chính.”
Tuy giọng anh vẫn lạnh lùng, nhưng so với cái kiểu cáu gắt thường ngày, tôi lại nghe ra chút chân thành trong đó.
Trong cơn giận dữ của anh, ẩn giấu một sự quan tâm. Vậy nên anh không chỉ là thần tượng, mà còn là một “thần” ngoài lạnh trong nóng, chịu chỉ dạy tôi.
Tâm trạng tôi bỗng trở nên nhẹ nhõm vui vẻ: “Biết rồi, cảm ơn… người giỏi nhất.”
Cuối cùng tôi cũng tìm được cách xưng hô ổn thỏa.
Lần này anh không phản bác, chỉ hừ nhẹ một tiếng, khinh khỉnh bảo: “Giống Tiêu Lãng bảy phần? Cô tìm thầy nào mà mắt nhìn hạn hẹp vậy?”
“Nhưng tôi sắp thi vào Đoàn kịch Mộng Tưởng, ai cũng mong có một ‘Tiêu Lãng thứ hai’ mà…”
“Hừ…”
Anh tỏ vẻ khinh thường: “Tại sao phải làm bản sao của người khác? Cô là cô. Cô phải đánh ra âm nhạc thuộc về chính mình.”
“Đoạn này, tăng lực bên tay trái thử xem.”
Anh nói. Trang nhạc lật qua, dừng lại ở một đoạn cụ thể. Các phím đàn khẽ chuyển động—anh lại bắt đầu chơi mẫu cho tôi.
Tôi lập tức lấy điện thoại ra, lén ấn nút ghi âm.
Đêm đó, anh dốc hết tâm huyết chỉ dạy, còn tôi thì như miếng bọt biển khát khao hút lấy tài hoa từng bị lãng quên ấy.
“Tôi đi đây.”
Anh nói. Đây là lần đầu tiên, anh nói lời tạm biệt một cách nghiêm túc.
“Gặp lại nhé… người giỏi nhất… thầy?”
Tôi giơ tay vẫy về phía không trung, linh cảm anh đang đứng ở đó.
Đúng lúc tôi nghĩ sẽ không có phản hồi gì, giọng anh từ xa vọng lại: “Cứ gọi là ma cáu kỉnh, tôi cho phép.”
Âm thanh tan biến ngoài hành lang.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.net.vn -
Anh về phòng 502 rồi.
Tôi tiếc nuối không muốn đóng cửa, mãi đến khi đèn cảm biến ngoài hành lang tắt ngóm, cả thế giới chỉ còn tiếng thở của riêng tôi, tôi vẫn chưa nỡ khép cửa.
Tôi xin tuyên bố: ma cáu kỉnh là loài dễ thương nhất trong các loài ma.
Trước khi ngủ, tôi nhét tai nghe vào tai, mở lại bản ghi âm. Đây là đoạn nhạc duy nhất trên thế giới do một người đã khuất chơi—rực rỡ, quý giá, và chỉ tôi mới có được.
Chỉ là tôi nhận ra, tiếng đàn của anh… không còn giống bản thu của Tiêu Lãng trước kia nữa.
Khi còn sống, bản Giấc mộng chương của Tiêu Lãng đẹp đẽ và đầy đam mê.
Nhưng giờ đây, giấc mộng của anh ta vẫn rực rỡ, nhưng chứa đầy phẫn uất, mang theo một luồng sức mạnh kỳ lạ, khao khát phá tan xiềng xích, khao khát chạm đến ánh sáng.
Có lẽ nửa năm sống như hồn ma, đã làm thay đổi tâm cảnh của anh.
Tôi nghĩ vậy.
6.
Từ sau khi tôi gọi anh là ma cáu kỉnh, hình như quan hệ giữa hai bên đã vô hình xích lại gần hơn.
Anh bảo tôi mua một chùm chuông gió. Mỗi lần đến hay rời đi, anh đều rung chuông lên một tiếng. Anh nói, sau này đừng chui vào chăn thay đồ nữa.
Tôi lập tức đỏ mặt—không ngờ bí mật này cũng bị anh phát hiện rồi.
Thế giới của người sống thì không gì giấu được, còn thế giới của người c.h.ế.t lại khiến tôi vô cùng tò mò. Tôi hỏi anh, liệu tro cốt trong khu này có phải đều đã thành ma, có phải đều giống như anh, muốn đi đâu thì đi? Tôi ngày nào cũng luyện đàn như vậy, liệu có làm phiền các vị khác không?
Anh nói: “Tro cốt là tro cốt, ma là ma.”
Rồi bổ sung: “Chỉ có mình tôi có thể tự do ra vào nhà cô. Lý do thì… không tiện nói.”
Anh bảo tôi ít tò mò chuyện của ma, hãy tập trung vào việc luyện đàn. Anh không hay nhắc đến bản thân, nhưng lại đặc biệt để tâm tới chuyện tôi thi vào Đoàn kịch Mộng Tưởng.
Ban đầu chỉ là chỉ dẫn qua loa vài điểm nhỏ, sau đó dần dần nghiêm túc hẳn, thậm chí còn bắt đầu giúp tôi lên kế hoạch. Cuối cùng, dứt khoát thay luôn cả bài biểu diễn tự chọn của tôi.
Anh bảo: “Giáo viên của cô nghĩ gì vậy? Bài này hoàn toàn không thể hiện được ưu thế của cô.”
Rồi anh tự mình chọn cho tôi một bản cực khó, còn đích thân chơi mẫu.
Phong độ biểu diễn của anh phải gọi là đỉnh cao. Có lần tôi không nhịn được thốt lên: “Cây đàn piano cũ nát của tôi chắc làm anh ấm ức lắm. Không dám tưởng tượng nếu anh được chơi trên một cây Steinway, sẽ là trải nghiệm đáng kinh ngạc đến mức nào…”
Anh lập tức bật ra một tiếng cười lạnh quen thuộc, kèm theo một câu hỏi phản bác quen thuộc không kém:
“Cô thấy cây đàn còn quan trọng hơn người à?”
“Ờm… chắc là… phối hợp ăn ý?” Tôi gắng gượng moi ra một thành ngữ.
Anh im lặng một lúc, rồi khẽ nói: “Cây đàn đầu tiên của tôi, nhặt được từ bãi rác.”
“Bãi rác á?” Lần này đến lượt tôi kinh ngạc, tròn mắt nhìn về phía phát ra giọng nói của anh.
Tôi vẫn luôn tin rằng Tiêu Lãng xuất thân từ gia đình có truyền thống âm nhạc, là thiên tài sinh ra đã ngậm thìa vàng. Sao có thể đi nhặt đàn trong bãi rác?
Nhưng chưa kịp hỏi thêm, anh đã lấy lại giọng điệu cau có quen thuộc: “Chuyện này không liên quan đến cô. Điều cô cần làm bây giờ là dùng cây đàn hiện tại chơi ra thứ âm nhạc tốt nhất.”
“Tiếp tục học!”
Dưới sự chỉ dạy của anh, tôi tiến bộ thần tốc. Cả giáo viên của tôi cũng tròn mắt ngạc nhiên, suốt ngày khen tôi “đột nhiên khai ngộ”.
Nghe tôi nói sẽ đổi bài thi tự chọn, thầy sững người mất nửa phút, rồi nhắc tôi đã cận ngày thi, thay đổi lúc này là rất mạo hiểm. Nhưng sau khi nghe tôi chơi xong, thầy chỉ nói đúng hai chữ:
“Tuỳ em.”
Cuối cùng thì ngày thi cũng đến. Tối hôm trước, ma cáu kỉnh đã cùng tôi tập lần cuối.
Lúc chia tay, một nhành hoa quế được đặt lên nắp đàn, vài cánh hoa rơi xuống mặt phím.
“Tặng tôi à?”
“Tiện tay ngắt thôi, trong khu có đầy.”
“Trong khu có đầy thì sao? Anh vẫn chỉ chọn mỗi cành này. Rõ ràng là anh muốn tôi đỗ đạt như hái quế trên cung trăng.”
Anh không đáp lại câu bông đùa của tôi, chỉ lạnh giọng: “Tập trung vào kỳ thi giùm cái. CMND với giấy báo dự thi chuẩn bị kỹ chưa? Trước đêm thi mà còn không chịu ngủ sớm à?”
Lại một chuỗi câu hỏi phản vấn. Ẩn sau vẻ bề ngoài gay gắt là sự quan tâm không giấu giếm.
Người cuối cùng từng càm ràm tôi kiểu này… là ba tôi.
Mũi tôi bỗng cay xè. Ba tôi ở quê, còng lưng làm việc, dành từng đồng gửi lên cho tôi học nhạc. Ông ấy vẫn chưa biết tôi dự thi vào Đoàn kịch Mộng Tưởng. Tôi sợ ông thất vọng nên định chờ có kết quả rồi mới báo.
Một giọt nước mắt rơi xuống, tôi vừa đưa tay lên lau thì cảm nhận được một làn lạnh mát lướt qua má—tựa như một bàn tay băng giá đang thay tôi lau nước mắt.
Đó là lần đầu tiên tôi thật sự cảm nhận được anh.
Tôi vội vàng đưa tay đặt lên má, nhưng chỉ chạm vào gương mặt mình. Cái lạnh vừa rồi đã biến mất.
“Ma cáu kỉnh… tôi có thể thấy được anh không?”
Tôi hỏi khẽ. Chuông gió bên cửa sổ khẽ reo—anh lại sắp rời đi.
“Ma cáu kỉnh!”
Tôi đuổi ra đến cửa thì bất ngờ phát hiện ngoài hành lang có một cô gái trẻ đang nhìn tôi đầy ngạc nhiên.
Cô ấy rất xinh, thời thượng, tóc uốn sóng kiểu Pháp, mang đôi giày cao gót nhọn hoắt. Tôi lập tức chui vào nhà, nhưng vẫn không kìm được liếc qua mắt mèo.
Chỉ thấy cô gái ấy thong thả đi đến trước cửa 502, lấy chìa khóa ra mở cửa bước vào.
Cô ấy là người nhà họ Tiêu?
Tiếng chuông gió vẫn còn vang vọng, cửa phòng 502 khép lại, đèn ngoài hành lang cũng âm thầm vụt tắt.