Hoa Nở Không Về Cội

Chương 2



Da cũ lẫn chút mùi thơm nhẹ, ấm đến nỗi khiến ta run rẩy.

Thì ra tay nghĩa phụ lại vừa ấm vừa vững chãi đến thế!

Ông lại cởi chiếc áo bông trên người khoác cho ta, bế ta đặt lên xe bò.

Chiếc xe chậm rãi chở ta và nghĩa mẫu.

Nghĩa phụ chỉ mặc một chiếc áo ngắn rách hở cả vai, vai áo còn vá một miếng vải khác màu.

Đỉnh đầu trọc của ông nhanh chóng bị tuyết phủ trắng.

Tấm lưng kia, gầy gò mảnh khảnh.

Vậy mà chẳng hiểu vì sao, ta lại thấy nó vững vàng như núi lớn.

A tỷ và đại huynh đi hai bên càng xe, A tỷ vừa khóc vừa móc từ lòng ra một chiếc bánh kê.

“Muội muội, ăn đi.”

Ngày hôm đó, nghĩa phụ, đại huynh, A tỷ mất đi mẫu thân.

Còn đối với ta, ta như được tái sinh vào chính ngày hôm đó.

Chúng ta chôn cất nghĩa mẫu xong, nghĩa phụ liền đặt cho ta một cái tên mới.

Nghĩa phụ nói, mong ta sau này không thiếu thứ gì, vậy nên gọi là "Mãn Mãn" có nghĩa là đầy đủ, tròn trịa.

Từ đó, ta đã có nhà.

Chữ đầu tiên ta học là chữ phụ nghĩa là cha.

Học rồi, liền không thể dừng lại.

Ai bảo ta không thể mở miệng nói?

Nghĩa phụ thường kêu ta lắm lời, miệng chẳng bao giờ ngừng nghỉ.

A tỷ lại khen ta nói hay, bảo thích nhất là được trò chuyện với ta.

Để mừng ta biết nói, đại huynh còn bẻ một cành đào, đích thân làm cho ta một chuỗi tràng đeo trừ tà.

Đại huynh nói, dùng dây đỏ xỏ hạt đào, đeo nơi cổ, yêu ma nào cũng chẳng dám lại gần, từ đó ta sẽ chẳng còn câm lặng nữa.

Về sau ta hỏi nghĩa phụ vì sao lại mua ta?

"Chỉ cần nhìn đôi mắt của con khi ấy, ta liền biết A Mãn là đứa nhỏ ngoan."

Cuối cùng ông lại bổ sung một câu: "Vừa nhìn liền biết là người nhà ta."

Ta cười, khóe môi cong cong, cười vui đến nỗi khóe mắt cũng rưng lệ.

Từng có người nói, ta là mầm tai họa trời sinh.

Cũng từng có người mắng, sao lại sinh ra một đứa quái thai như vậy?

Còn có người bảo, một đứa bé con như ta, sao lại có tấm lòng độc ác đến thế?

Vậy nên, vào một đêm pháo hoa nổ rợp trời, có người đem ta bỏ lại nơi hẻm tối không ánh đèn.

Lúc ta ngoái đầu nhìn lại, trong mắt kẻ ấy là ánh sáng rực rỡ của giải thoát, nơi khóe môi còn vương một nụ cười, một nụ cười đầy mãn nguyện mà ta chưa từng được thấy hắn.

Nhưng nghĩa phụ, đại huynh và A tỷ đều nói ta là đứa trẻ ngoan.

Vậy thì, ta nhất định là đứa trẻ ngoan!

Nhà ta ở thôn Du Thụ dưới chân núi Hoành Sơn.

Nghĩa phụ kể rằng nơi này xưa kia không người ở. Năm ấy Tây Bắc gặp đại nạn, dân chạy nạn mới dạt đến đây.

Trong số đó có một lão nhân biết xem phong thủy, nói nơi đây ba mặt là núi, một mặt hướng thủy, chính là vùng đất lành thích hợp cư ngụ.

[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.net.vn -

Từ đó, họ dừng chân nơi đây, dựng nhà, khai hoang, từng ngày từng tháng mà sống.

Nghĩa phụ ta cũng là một trong số dân chạy nạn ấy.

Người nhà ông đều mất, chỉ còn mình ông; nghĩa mẫu khi ấy cũng vậy.

Cuối cùng hai người nương tựa nhau mà sống, rồi thành một nhà.

Cuộc sống mới vừa có chút khấm khá, nghĩa mẫu liền rời đi.

Nghĩa phụ luôn tự trách, nếu ông sớm gom đủ tiền chữa bệnh cho nghĩa mẫu, thì có lẽ bà đã không mất.

Nhưng thế gian này làm gì có nhiều chữ "nếu" đến thế.

Thời gian đã trôi, ai kêu cũng chẳng quay lại.

Nhà chúng ta có mười ba mẫu đất, trong đó có năm mẫu ruộng nước.

Năm xưa vì cứu nghĩa mẫu mà bán mất năm mẫu, nhưng nghĩa phụ vẫn bảo nhà ta cũng tính là khá giả rồi. Chỉ cần chăm chỉ cày cấy, sẽ chẳng thiếu ăn thiếu mặc.

A tỷ hơn ta ba tuổi, đại huynh thì hơn ta năm tuổi.

Lúc ấy ta sáu tuổi, vì nhỏ nhất nên được yêu chiều nhất.

Nghĩa phụ chưa từng nói với ai rằng ta là đứa bé được mua về.

Khi có người hỏi, ông chỉ nói là cháu gái ở quê cũ, tình cờ tìm được.

Mỗi ngày, nghĩa phụ và đại huynh đều ra đồng làm ruộng.

Ta thì đi theo A tỷ, loanh quanh khắp nơi.

Ngày ngày cho gà ăn, chăm heo, dọn dẹp trong nhà, nấu cơm giặt giũ.

Dù tuổi còn nhỏ, nhưng A tỷ làm gì cũng gọn gàng đâu ra đấy.

Nàng nấu cơm, ta ngồi trước bếp nhóm lửa.

Mới đầu chưa quen, khi thì lửa quá to, khi lại tắt ngóm, A tỷ chỉ khẽ dùng đầu ngón tay chấm lên mũi ta.

Mỗi lần gà đẻ trứng, nàng luôn luộc một quả cho ta ăn.

Nàng chống khuỷu tay lên đầu gối, dùng hai tay đỡ cằm, mỉm cười nhìn ta:

"A Mãn nhà ta gầy quá, phải ăn nhiều vào, mập lên mới tốt."

A tỷ nói chuyện luôn nhẹ nhàng, lúc nào cũng mỉm cười, má lúm sâu đến tận tim.

Khi ấy ta vẫn chưa biết nói, A tỷ thường chọc ta:

"A Mãn, mau gọi tỷ tỷ, tỷ tỷ sẽ cho muội ăn quả ngon."

Ta mở miệng, mấp máy môi, nhưng hồi lâu vẫn chẳng thốt được lời nào.

A tỷ liền ôm lấy vai gầy guộc của ta, bật khóc.

"A Mãn của tỷ đã nghe hiểu tỷ nói, chắc chắn sau này cũng có thể nói được. A Mãn nhất định sẽ nói được..."

Lần đầu tiên, có người vì ta không thể nói mà khóc tủi thân như vậy.

Nhưng nàng sao lại uất ức như thế?

Rõ ràng người không thể nói là ta kia mà!

Lũ trẻ trong thôn gọi ta là “con bé câm”.

A tỷ biết được, bẻ một cành liễu, đuổi theo bọn chúng ba dặm đường, cuối cùng lôi về tận nơi.

“Ai còn dám gọi A Mãn nhà ta như thế, ta sẽ dùng kim khâu miệng hắn lại! A Mãn không phải không biết nói, mà là chưa muốn nói thôi. Chờ đến khi muội ấy muốn nói, thì sẽ nói suốt cả ngày không nghỉ!”

Thì ra vẫn có người còn để tâm đến việc ta có biết nói hay không, còn hơn cả bản thân ta.

Lúc ấy, ta liền nghĩ: phải mau mau mở miệng, để đến khi ta có thể nói, sẽ nói suốt cả ngày như lời A tỷ nói mới được.


Bạn đang đọc truyện trên truyenvang.com