Hoa Nở Không Về Cội

Chương 1



“A Mãn, lại đây, tỷ tỷ có chuyện muốn nói với muội.”

A tỷ của ta tóc đen mày dài, mắt tròn mũi cao, khi cười nơi khóe miệng còn lộ ra hai lúm đồng tiền sâu.

Tay nàng vẫy ta, vết chai trên lòng bàn tay rõ ràng, mu bàn tay đã sạm màu mật ong dưới nắng.

A tỷ bảo ta nay đã là cô nương mười ba tuổi, không thể thấy nàng ngoắc tay liền há miệng chạy tới như trước nữa.

Thế nhưng, thói quen khó đổi, ta vẫn theo bản năng chạy lại, miệng há to.

Thấy thế, A tỷ cười khẽ, xoa đầu ta, nhét vào miệng ta một quả táo mật.

"Muội bây giờ đã lớn rồi, mà hễ tỷ tỷ gọi một tiếng là muội lại há miệng chạy tới, cái tính trẻ con này của muội sao cứ sửa mãi mà không được vậy."

Nàng vừa nói, vừa lấy khăn tay lau mồ hôi nơi trán ta.

“Chẳng phải là do nàng dạy hư muội ấy sao? Hễ có cái gì ngon đều đưa cho muội muội trước. Dù ngoài miệng nàng không nói, nhưng lòng muội ấy sớm hiểu rõ, biết nàng gọi muội ấy là để cho đồ ngon, nên mới há miệng mà chạy lại đó thôi.”

Táo mật tan trong miệng, vị ngọt lan tới tận tim.

Ta cười với A tỷ, rồi trừng mắt nhìn nam nhân vừa nói.

Hắn là vị hôn phu của A tỷ, cũng là người ta ghét nhất thế gian.

Chỉ vì nghĩa phụ từng nói, sang năm A tỷ gả đi, sẽ đến nhà hắn sống. Còn ta, thì không thể đi theo.

Thế gian này, ta yêu A tỷ nhất. Ai cướp A tỷ khỏi ta, ta ghét người ấy nhất.

Dù hắn thường hay đến nhà ta giúp việc, ta vẫn không ưa nổi hắn.

“Trường Canh, ngươi đừng chọc ghẹo A Mãn nữa. Vì ngươi muốn cưới A Uyển nên nó mới ghét ngươi như vậy.”

“Ngươi còn lắm lời nữa, lần sau A Mãn nó sẽ chẳng mở cửa cho ngươi đâu, đến khi ấy, ta cũng nhất định đứng về phía A Mãn, cũng chẳng mở cho ngươi.”

Nghĩa phụ nói xong, gõ gõ điếu thuốc trên đá, đổ tro ra rồi đứng dậy, khoác điếu lên lưng, nhìn ta mỉm cười.

Nghĩa phụ ta tuổi đã cao, làn da đen sạm, khi cười, nét nhăn hằn đầy khuôn mặt.

Ông thường mặc áo ngắn vải xám, vạt áo vì tàn thuốc rơi mà cháy thủng thành những lỗ đen lớn nhỏ.

Khi rảnh rỗi, ta thích nhất là ngồi bên nghĩa phụ, dùng tay moi móc những lỗ đó, đến khi lỗ nhỏ thành lớn, rồi các lỗ nối liền một mảng, nghĩa phụ khi ấy mới chịu thay áo mới.

Tuổi trẻ nghĩa phụ chịu nhiều khổ cực, đầu hói sớm, giờ chỉ còn lơ thơ vài sợi sau gáy.

Đại huynh từng khuyên ông nên cạo bỏ luôn đi, song nghĩa phụ cứ khăng khăng để lại.

Đôi ba hôm lại nghiêm chỉnh gội chải, lúc ấy ta liền lấy tay che miệng cười ông.

Nghĩa phụ bảo chúng ta còn nhỏ chẳng hiểu sự đời, mấy sợi tóc này quan trọng lắm. Nếu cạo hết, thì ông chẳng khác gì mấy hòa thượng trong chùa?

Dù chỉ vài sợi, cũng là bằng chứng cho việc ông chưa xuất gia.

Ta đem lời đó kể với đại huynh, đại huynh liền nghiêm túc gọi ta và A tỷ lại dặn dò:

[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.net.vn -

“Tóc phụ thân đã quan trọng thế, nếu có sợi nào rụng, các muội phải lặng lẽ nhặt lấy, tuyệt đối không để phụ thân biết nghe chưa.”

Ta và A tỷ đều trịnh trọng gật đầu.

Vài sợi tóc đó, cũng như ba huynh muội ta, đều là tâm can của nghĩa phụ, chẳng thể sơ sẩy chút nào.

Tỷ phu tương lai Trường Canh vừa đổ đầy nước vào chum, vừa mỉm cười nói với nghĩa phụ:

“A Mãn không ngoan như vậy, hẳn là do phụ thân ngài chiều hư muội ấy rồi. Muội ấy ghét con chỉ vì con muốn cưới A Uyển. Nhưng nhà con và nhà ngài chỉ cách nhau có một bức tường, muội ấy gọi một tiếng, A Uyển lập tức chạy về. Nhà con có món gì ngon, A Uyển cũng có thể đem qua đút cho A Mãn, thế mà muội ấy vẫn chẳng vừa lòng?”

Nghĩa phụ lắc đầu, ông bảo Trường Canh nhà ngươi chẳng hiểu gì.

Nghĩa phụ nói đúng. Hắn quả thực chẳng hiểu.

Nghĩa phụ từng bán đi mấy mẫu ruộng trong nhà, gom được hai lượng vàng, mượn xe bò chở nghĩa mẫu lên thành chữa bệnh.

Vất vả mãi mới đến được cửa y quán, thì nghĩa mẫu đã không còn.

Khi ấy, vừa hay có người nhà giàu tới mua người. Cô gái cuối cùng đi cùng ta cũng bị mua mất, chỉ còn mình ta một đứa chỉ cần một lượng vàng mà cũng chẳng ai buồn đoái hoài.

Người môi giới ấy vừa véo vừa đánh ta, còn ta chỉ mở to đôi mắt ngây ngô nhìn hắn, chẳng chạy cũng chẳng khóc.

Nghĩa phụ khi ấy vừa mất vợ, đại huynh và A tỷ cũng vừa mất mẫu thân, còn đang ôm nhau trên xe bò mà khóc.

Tiếng chửi mắng của người môi giới kinh động tới nghĩa phụ.

Hôm đó tuyết rơi thật dày.

Nghĩa phụ đội mũ da chó cũ kỹ, tuyết phủ đầy mũ và áo bông rách mỏng.

Dưới mũi ông, hai dải nước mũi đã thành băng.

Trời thì lạnh, ông lại quá thương tâm, nước mắt nước mũi cùng chảy, rồi đóng băng cả.

“Đừng đánh nữa, ta mua nó.”

Nghĩa phụ nghẹn giọng nói, tay lần trong ống tay áo lấy ra một thỏi vàng nhỏ, đưa cho người môi giới.

Người kia không ngờ còn có người thế này, lập tức hí hửng giật lấy, chẳng nói thêm lời nào, vội leo lên xe bò bỏ đi, như sợ nghĩa phụ sẽ đổi ý vậy.

Ta là đứa bé bị bọn buôn người bắt đi vào đêm Nguyên Tiêu, lúc ấy mặc áo bông đỏ, quần bông đỏ.

Lăn lộn suốt một năm, giữa hè áo bông đã bị cởi mất, chẳng rõ bị vứt nơi nào. Đông tới, ta vẫn mặc độc một chiếc áo đơn không còn nhận ra màu sắc.

Nghĩa phụ vươn bàn tay thô ráp đen sì sờ lên má ta, nơi đã nứt nẻ vì lạnh.

Ta nghiêng đầu nhìn ông.

“Con theo ta về nhé. Gọi ta một tiếng phụ thân là được rồi.”

Ông tháo chiếc mũ da chó khỏi đầu, phủi tuyết rồi đội lên cho ta.

Ta vĩnh viễn không quên được hơi ấm và mùi hương ngày ấy.


Bạn đang đọc truyện trên truyenvang.com