Khi phân chia công việc, anh chủ động nhận phần gánh phân.
Tất cả các thanh niên trí thức đều vừa biết ơn anh, vừa vô thức giữ khoảng cách với anh.
Nếu không có ký ức kiếp trước, có lẽ tôi cũng sẽ cho rằng An Hành Chu là kẻ lập dị, và nghe lời Trần Tây Thành mà tránh xa anh.
Nhất Phiến Băng Tâm
Trần Tây Thành khinh thường An Hành Chu vì cho rằng anh ấy bẩn.
Nhưng thực tế, An Hành Chu mới chính là người thực sự muốn góp sức xây dựng nông thôn trong số những thanh niên trí thức này.
Cha của An Hành Chu là giáo sư đại học, bị đưa xuống trường cán bộ ở trấn bên để học tập cải tạo.
An Hành Chu không chịu cắt đứt quan hệ với cha mình, nên buộc phải chấp nhận thân phận là con của trung nông và chịu sự tái giáo dục, vì vậy mới bị phân về vùng quê nghèo khó như chỗ chúng tôi để làm thanh niên trí thức.
Cũng bởi xuất thân như vậy, cho dù anh không chủ động nhận công việc gánh phân, thì đại đội cũng sẽ giao việc này cho anh.
Muốn được giáo dục, thì phải làm những việc vất vả và cực nhọc nhất – đó là suy nghĩ chung của tất cả mọi người.
An Hành Chu là một người tốt.
Cuộc sống gian khổ, mộc mạc của thanh niên trí thức không thể dập tắt quyết tâm phục vụ nhân dân của anh.
Khi kỳ thi đại học được khôi phục, nghe nói anh tiếp tục học lên, chuyên ngành có liên quan đến nông nghiệp.
Về sau tôi từng gặp lại anh một lần.
Tại một hội nghị học tập kỹ thuật nông nghiệp ở thị trấn, An Hành Chu là đại diện được mời tham dự.
Thời gian chia sẻ kỹ thuật vốn định trong hai tiếng, là khoảng thời gian anh chắt chiu từ lịch trình bận rộn.
Về sau vì muốn giải đáp thêm thắc mắc cho mọi người, anh ở lại thêm hai ngày, rời khỏi hội trường, xuống thẳng đồng ruộng, nghiêm túc giúp mọi người giải quyết vấn đề, cũng vì vậy mà hy sinh luôn kỳ nghỉ phép thăm nhà hiếm hoi.
Anh yêu mảnh đất này một cách sâu sắc.
Thật sự thì tôi không muốn gánh phân, tôi chỉ muốn giúp An Hành Chu mà thôi.
Không chỉ vì tôi kính trọng anh.
Mà còn vì anh là người duy nhất ở kiếp trước từng đứng ra nói giúp tôi.
Cỏ không có bùn thì không thối rữa, bùn không có cỏ thì không màu mỡ.
Đại đội sản xuất của chúng tôi rất nghèo, không kiếm được phân hóa học.
Phân hóa học còn quý hơn cả kẹo sữa Đại Bạch Thố, vì con người có thể không ăn kẹo, nhưng ruộng đất thì không thể thiếu phân.
Dù đội trưởng ngày nào cũng đến công xã kêu khổ, xin chỉ tiêu, thì đội của chúng tôi cũng không có tiền mua phân hóa học.
Nghèo, nghèo đến mức không có cách nào xoay xở.
Sau khi hiểu rõ tình hình trong thôn, An Hành Chu bắt đầu nghiên cứu cách ủ phân hữu cơ.
Trước đó chúng tôi tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, đào một cái hố lớn bên ruộng.
Lúc đầu ngoài bí thư và đội trưởng ra, chẳng ai biết chúng tôi đang làm gì.
An Hành Chu nói với tôi:
“Tôi quan sát thấy trong đại đội có đủ thứ như bùn sông, cỏ nước, phân gia súc... đều dễ chuẩn bị, nhưng vẫn thiếu một thứ.”
Tôi hỏi:
“Thứ gì?”
“Nguyên liệu cần thêm vôi, để thúc đẩy hoạt động của vi sinh vật.”
Tôi chẳng hiểu vi sinh vật là cái gì, nhưng nếu An Hành Chu nói cần, thì tôi sẽ đi xin đại đội lấy cho bằng được.
Vì so với An Hành Chu, tôi nói chuyện có trọng lượng hơn trong đội sản xuất.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn -
Tôi gật đầu:
“Được, tôi sẽ đi tìm đội trưởng nói chuyện, cái này dễ xin hơn phân hóa học.”
An Hành Chu mỉm cười.
Anh cười rất đẹp, có khí chất của một người từng đọc sách.
An Hành Chu hỏi:
“Trần Mạn Thanh, cô tin tôi có thể thành công đến vậy sao?”
“Ừ, tôi tin anh.”
“Nếu lỡ thất bại thì sao?”
“Thì bắt đầu lại từ đầu.” Tôi thuận miệng đáp, rồi nói thêm một câu:
“Tôi sẽ cùng anh làm lại.”
An Hành Chu khựng lại một chút, rồi mỉm cười:
“Nhất định sẽ thành công. Trần Mạn Thanh, đây là phương pháp ủ phân đã được thử nghiệm một lần ở thôn nơi bạn tôi từng đi lao động.”
“Vậy thì tốt rồi. Tôi đi xin đội trưởng ít vôi đây.”
Tôi vẫy tay với anh, rồi quay người bước đi.
“Trần Mạn Thanh!” An Hành Chu đột nhiên gọi tôi lại.
Tôi quay đầu, khó hiểu nhìn anh.
“Đỡ lấy.”
An Hành Chu ném cho tôi một thứ gì đó, vì tin tưởng nên tôi chưa kịp suy nghĩ đã giơ tay đón lấy.
Ba viên kẹo sữa Đại Bạch Thố.
Anh mỉm cười với tôi, ra hiệu không có gì to tát.
Kẹo để trong túi lâu nên hơi chảy ra, nhưng vẫn ngọt.
Ngọt đến mức khiến lòng tôi đắng ngắt.
Thì ra, đây chính là những viên kẹo sữa Đại Bạch Thố mà Trần Tây Thành từng tặng cho Hà Tuyết Liên sao?
Chỉ đến thế mà thôi.
Trong đầu tôi là hàng trăm dòng suy nghĩ xoay vòng, nhưng bước chân vẫn kiên định hướng về phía đội sản xuất.
An Hành Chu cần ủ phân, cái hố mà trước đó chúng tôi đào chính là hố ủ phân.
Tôi đã báo cáo việc này với đội sản xuất.
Tôi sẵn sàng đứng ra bảo đảm cho An Hành Chu.
Mọi việc có lợi cho sản xuất, đội trưởng và bí thư đều đồng tình, cũng vì vậy mà họ bắt đầu nhìn An Hành Chu bằng con mắt khác.
Kiếp trước, Trần Tây Thành chê mùi trên người An Hành Chu, nhiều lần phớt lờ đề nghị ủ phân của anh, không chịu báo cáo kịp thời.
Năm đó, vụ mùa thu hoạch kém.
Còn ngôi làng nơi bạn học của An Hành Chu đi lao động, vì thành công với kỹ thuật ủ phân nên đã đại bội thu, thậm chí còn được biểu dương toàn huyện, trở thành đề tài nóng được bàn tán khắp nơi.
Làng chúng tôi phải đến năm sau mới cử người đi học kỹ thuật ủ phân.
Nhưng chính năm đó, đã có không biết bao nhiêu gia đình bị đói đến mức suy sụp.
Người mà đói thì sức đề kháng giảm, rất dễ sinh bệnh.
Người mà sinh bệnh, thì cả nhà cũng theo đó mà sụp đổ.
Tôi sẽ không để những chuyện như vậy xảy ra thêm một lần nào nữa.