Tôi là một người đàn bà chanh chua nổi tiếng khắp mười dặm tám làng.
Còn Trần Tây Thành là người hiền lành tử tế có tiếng trong vùng.
Thế mà, trớ trêu thay, chúng tôi lại là vợ chồng.
Ai nghe thấy cũng đều phải cảm thán: không hợp nhau chút nào.
Sau này, cải cách mở cửa, Trần Tây Thành nhận lại cha mẹ ruột, đổi lại thành họ Cố.
Nhất Phiến Băng Tâm
Nhà họ Cố không chấp nhận một người con dâu có phẩm hạnh tồi tệ như tôi, Cố Tây Thành ly hôn với tôi.
Tôi sống lay lắt ở quê, mang bệnh tật, mặc đời trôi nổi.
Còn anh ta, ở thành phố kết hôn với nữ thanh niên trí thức từng tá túc ở nhà chúng tôi thuở xưa.
Từ đó, Trần Mạn Thanh và Cố Tây Thành không còn quan hệ gì nữa.
Nhưng may mắn thay, ông trời thương xót, tôi lại được sống thêm một lần.
1
Trời nắng như đổ lửa.
Đất trời như hóa thành một cái lồng hấp khổng lồ, thiêu đốt từng con người trong đó.
Tôi bước ra khỏi đội sản xuất với dáng vẻ nhẹ nhàng, phấn chấn.
Khi đi ngang qua đầu làng, tôi nhìn thấy Trần Tây Thành đang tập hợp cùng mọi người.
Trời nắng như đổ lửa, ai nấy đều mặc áo cộc tay hoặc áo ba lỗ, chỉ riêng anh, lại khoác một chiếc áo sơ mi dài tay màu xanh đã giặt bạc màu.
Không phải anh không thấy nóng, chẳng qua bên trong anh mặc chiếc áo ba lỗ đã được vá chằng vá đụp.
Chiếc áo khoác bạc màu đó là bộ đồ duy nhất còn coi được mà anh có thể diện ra ngoài.
Hôm nay anh để ý tới vẻ ngoài như vậy, là vì anh nhận được thông báo: đợt thanh niên trí thức phân về đội sản xuất chúng tôi đã đến sớm.
Làng chúng tôi là một đại đội sản xuất, dưới đó chia thành ba đội sản xuất nhỏ.
Mà anh, với vai trò là phó đội trưởng của đội hai, bị thông báo tạm thời phải cùng người của hai đội còn lại lên trấn đón thanh niên trí thức.
Dù quần áo của mọi người đều cũ kỹ như nhau, nhưng dáng người thẳng tắp của Trần Tây Thành vẫn khiến anh nổi bật giữa đám đông.
Anh nhìn thấy tôi, chào vài người xung quanh rồi bước về phía tôi, nụ cười đặc biệt dịu dàng:
“Mạn Thanh, lần này lên trấn, anh sẽ mua cho em kẹo sữa Đại Bạch Thố.”
Mua kẹo thì phải có tiền, lại còn cần cả tem phiếu, thứ nào cũng vô cùng quý giá.
Mà kẹo sữa Đại Bạch Thố lại càng đắt, một cân phải hơn hai đồng.
Trần Tây Thành là phó đội trưởng, cho dù có cày cuốc cật lực thì một ngày cũng chỉ được mười một công điểm, đổi ra tiền mặt cũng chỉ có ba, năm hào là cùng.
Vài chàng trai trẻ đứng bên cạnh nghe thấy thế, không nhịn được cười đùa:
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn -
“Trần Tây Thành, nếu cậu còn tiền, chi bằng đổi lấy bộ quần áo mới cho mình, để bọn trí thức đó biết là làng ta cũng có thanh niên tài tuấn đấy chứ!”
Phải thừa nhận rằng, gương mặt của Trần Tây Thành đúng là đủ để đem ra “khoe mẽ”.
Cũng vì vậy mà tôi mới hết lần này đến lần khác tha thứ cho anh.
Cũng có người nói với tôi:
“Mạn Thanh à, Tây Thành giấu tiền riêng sau lưng cô đấy, sao cô không điều tra thử xem, chuyện này phải trị bằng gia pháp mới được!”
Tiền riêng – cái từ nghe sao mà mập mờ.
Trần Tây Thành là con nuôi của cha mẹ tôi, chúng tôi lớn lên cùng nhau.
Người trong làng mặc định rằng sau này chúng tôi sẽ lấy nhau, cho nên cũng ngầm chấp nhận cái thứ mập mờ như thế này.
Tôi không định sẽ tiếp tục giống kiếp trước, chỉ biết đỏ mặt cười trừ cho qua chuyện.
Tôi trừng mắt nhìn đám người đó, giận dữ nói lớn:
“Ai còn dám nói bậy nữa, làm lỡ việc anh tôi sau này lấy vợ, thì liệu hồn, tôi sẽ báo lên đội trưởng và bí thư đấy!”
Hiện tại tôi vẫn chưa gả cho Trần Tây Thành, cũng chưa trở thành “mụ chanh chua” như trong miệng người ta, nên lời tôi nói không có chút sức răn đe nào cả.
Nhưng như vậy là đủ rồi, tôi chỉ cần tuyên bố rõ ràng ranh giới giữa tôi và Trần Tây Thành là được.
Đám người đó chẳng bị dọa chút nào, ngược lại, chính Trần Tây Thành lại trở nên hoảng hốt.
Anh vội vã giải thích với tôi:
“Mạn Thanh, em đừng nghe họ nói bậy. Tiền của anh đều để em giữ mà, em đừng giận anh, được không?”
Sự cẩn trọng và lấy lòng trong giọng nói của anh khiến tim tôi nhói đau.
“Tôi không giận. Anh đừng tiêu tiền bừa để mua kẹo, trên đường nhớ chú ý an toàn.”
Tôi nở một nụ cười xoa dịu với Trần Tây Thành.
Quả nhiên, Trần Tây Thành thả lỏng, cũng mỉm cười với tôi.
Anh không biết, nụ cười này là dành cho Trần Tây Thành chưa từng gặp Hà Tuyết Liên.
Về sau sẽ không còn nữa.
Trần Tây Thành của trước kia, vì chịu ơn cha mẹ tôi, nên quả thực đã chăm sóc tôi rất tốt.
Tất cả tiền đổi từ công điểm anh kiếm được đều đưa hết cho tôi.
Có lần tôi đến kỳ, làm bẩn quần, cũng chính anh là người ra bờ sông giặt giúp.
Cũng vì chuyện này mà trong làng đồn tôi là đứa kiêu căng, ương ngạnh.
Nhưng cũng chỉ có một lần đó mà thôi.
Bởi vì anh rất ít khi làm việc nhà, nên một lần hiếm hoi như thế, trong mắt người khác, anh đã là một người đàn ông tốt hiếm có rồi.