Đang định mở lời, khuyên nàng chớ nên quá sa vào mộng tưởng tình ái.
Nhưng nàng lại nói tiếp:
“Thế nhưng muội không muốn làm Đỗ Lệ Nương, muốn muốn làm Thang Hiển Tổ!”
“Thiên hạ ai ai cũng mong thành người trong mộng, còn muội thì muốn trở thành kẻ tạo mộng!”
(‘Mẫu đơn đình’ hay còn gọi là ‘Hoàn hồn ký’ hay ‘Đỗ Lệ Nương mộ sắc hoàn hồn ký’ là một trong những vở kịch nổi tiếng trong lịch sử sân khấu Trung Quốc, do nhà soạn kịch nổi tiếng thời kỳ nhà Minh là Thang Hiển Tổ viết năm 1598 mà đến nay vẫn được người Trung Hoa nghiên cứu dựng lại và diễn xướng.)
Ta chợt ngẩn người.
Nàng nói quả quyết đến thế, khiến ta bất giác nhớ lại — hình như ta từng nói những lời tương tự...
Lúc còn niên thiếu, lòng chưa vướng sầu, nét chữ ta viết cũng là để dệt mộng.
Cúi đầu bên án, viết không ngừng nghỉ, chỉ mong một ngày nào đó, trên sân khấu sẽ có người ngâm lời ta viết, dưới đài sẽ có người hỏi: “Tác giả là ai?”
Chỉ là sau này mới hiểu, giấc mộng ấy khó đến dường nào.
Cả thiên hạ đối với tài hoa và bút mực của nữ tử, khắt khe đến cực điểm.
Tác phẩm nữ nhi viết ra, khó được ghi tên, càng khó lưu truyền hậu thế.
Dù tuyệt diễm nghìn năm, cuối cùng cũng chỉ bị xem là “tiêu khiển trong khuê phòng.”
Ta mấy lần định mở miệng khuyên, lại thôi.
Cuối cùng, chỉ vươn tay, nhẹ nhàng xoa lên mái tóc nàng.
“Ta tin muội.”
“Nhất định muội sẽ viết nên câu chuyện của riêng mình.”
14
Hôm ấy sau buổi học, Mạnh Ngọc ngồi trước án luyện chữ, còn ta thì nhàn nhã dạo quanh mấy giá sách, tùy ý lật xem.
Tại một góc khuất, ta tình cờ trông thấy hai quyển ‘Mẫu Đơn Đình’ đã nhuốm màu năm tháng.
Ta tò mò rút ra xem, vừa mở ra thì bất chợt sững người.
Trên từng trang giấy, chi chít những dòng bút tích chen chúc, dường như người viết còn rất trẻ, say mê không dứt với chuyện tình của Đỗ Lệ Nương trong sách.