Cửu Trọng Tử

Chương 354: Manh mối



Tuy triều đình nghỉ đông nhưng Tống Mặc là đồng tri Kim Ngô vệ, vẫn phải làm việc như thường. Vậy nên sáng sớm hôm sau, hắn dùng xong bữa sáng rồi lập tức đến nha môn.

Đậu Đức Xương và Đậu Khải Tuấn dắt tay nhau đến. Hai người không đi gặp Đậu Chiêu mà bước thẳng vào Tê Hương Viện.

Tống Nghi Xuân bị Đậu Chiêu chọc giận từ đêm giao thừa đến giờ vẫn còn đau ngực, mệt mỏi nằm trên sập cạnh cửa sổ, cũng buồn bực vì chuyện tiền lời năm nay của phủ Anh quốc công -- so với năm trước, tiền lời năm nay thiếu một phần ba. Nhưng ông soát mãi vẫn không tìm ra lỗi.

Khi Tưởng thị còn sống, tuy ông không để mắt đến mấy việc này, song vẫn biết tiền lời mỗi năm bao nhiêu. Do chịu ảnh hưởng của thời tiết nên tiền mỗi năm không giống nhau, nhưng không thể kém xa như năm nay, hơn nữa mấy năm đều giảm xuống, đã giảm một nửa so với lúc Tưởng thị quản lý.

Tên ngốc cũng biết có gì đó khác thường.

Cơ mà ông không lần ra nguyên nhân. Bọn trang đầu, chưởng quỹ đó đều viện đủ lý do.

Ông gọi Đào Khí Trọng tới thương lượng.

Đào Khí Trọng là người đọc sách, không rành việc đồng áng, việc này còn kém xa Tống Nghi Xuân, chỉ có thể đưa ra cách giải quyết khác:

- Hay là mời một sư gia chuyên về chuyện đồng áng nhìn giúp xem?

Tống Nghi Xuân thở dài.

Chuyện đã rồi, bây giờ mời sư gia tới, ông cũng không thể gọi các trang đầu, đại chưởng quỹ quay trở lại. Thôi để sang năm đi! Chỉ cần có thể tra ra nguyên nhân là được.

Đào Khí Trọng nghĩ nghĩ, đề cử mấy vị sư gia đồng hương.

Tống Nghi Xuân đang bực bội, nghe nói Đậu cữu gia dẫn theo một cháu trai cầu kiến thì vô cùng sửng sốt. Nhớ lại lời của Đậu thị hôm đó, trong lòng lập tức bất an, một hồi lâu mới hỏi:

- Biết Đậu cữu gia tới vì việc gì không?

- Không biết ạ!

Gia nhân lắc đầu, nghĩ đến số tiền thưởng kia, nhịn không được khen:

- Đậu cữu gia và cháu trai đều khoảng hai mươi tuổi, hào hoa phong nhã, vừa nhìn đã biết là người đọc sách.

Người họ Đậu đương nhiên hào hoa phong nhã.

Lúc con dâu mới được gả đến, nhìn cũng rất hiền lương thục đức đấy thôi, ai ngờ lại là loại đàn bà dữ dằn đanh đá!

Tống Nghi Xuân chửi thầm trong bụng, do dự một lâu rồi mới sai gia nhân mời Đậu gia cữu gia và cháu trai đến phòng khách uống trà, còn mình đi đổi xiêm y, kéo Đào Khí Trọng cùng tới phòng khách.

Đào Khí Trọng rất muốn nhắc Tống Nghi Xuân: "Ngài là trưởng bối, nếu Đậu gia nếu có ý đồ không tốt, cần gì phải hạ mình gặp họ ở phòng khách, cứ gọi tới thư phòng là đã hạ được một bậc khí thế đối phương."

Nhưng ông thấy bộ dạng lo lắng sốt ruột của Tống Nghi Xuân thì biết Tống Nghi Xuân từ nhỏ đến lớn chỉ ở trong giới phú quý, ít có cơ hội tiếp xúc với người giỏi ăn nói, gặp phu nhân thế tử như tú tài gặp binh, ôm một bụng lý cũng không thể rãi bày, bị phu nhân thế tử dọa sợ, nghe có quan hệ với phu nhân thế tử, khí thế đã yếu mất ba phần. Nhưng nói như vậy thà không nói còn tốt hơn. Ông đành im lặng theo Tống Nghi Xuân.

Đậu gia nhiều nam đinh, Tống Nghi Xuân lại là trưởng bối, nào có thể nhớ mặt được hết. Đậu Khải Tuấn là cử nhân, mấy năm nay du ngoạn khắp nơi nên rất chững chạc. Đậu Đức Xương thì khác, suốt ngày bị nhốt trong nhà đọc sách, lại có tướng mạo điển hình của người họ Đậu, da thịt trắng trẻo, trông cứ như mười lăm, mười sáu tuổi. Tống Nghi Xuân thấy hai người một trầm ổn, một non nớt, lập tức coi Đậu Khải Tuấn là Đậu cữu gia, coi Đậu Đức Xương thành cháu trai, vừa vào phòng khách đã cười hỏi Đậu Khải Tuấn:

- Tết nhất, Đậu cữu gia tìm ta có chuyện gì quan trọng?

Đậu Khải Tuấn mặc áo gấm Hàng Châu màu lam sẫm có họa tiết đốt trúc, cầm quạt Tứ Xuyên sơn đỏ tua kim tuyến, màu da tuy không trắng nõn bằng Đậu Đức Xương nhưng mày kiếm mắt sáng, đúng bộ dạng tiêu sái của công tử thế gia danh môn.

Nghe Tống Nghi Xuân nói vậy, hắn cười khẩy, vung tay mở quạt ra.

- Đúng là có mắt không tròng, dám coi vãn bối thành trưởng bối, coi trưởng bối không ra gì! Nếu không nhờ dư ấm của tổ tiến, có khi còn chẳng được làm chân sai vặt ở nhà bọn ta!

Lời nói sắc bén như dao bổ thẳng xuống đầu Tống Nghi Xuân. May mà Đào Khí Trọng ở phía sau đỡ, không thì ông đã ngã quỵ ngay tại cửa rồi.

Đậu Đức Xương thong thả bước đến hành lễ với Tống Nghi Xuân, cười tủm tỉm nói:

- Chào ông thông gia! Tôi mới là huynh đệ của phu nhân thế tử. Kia là cháu trai của tôi. Nó còn trẻ, tâm cao khí ngạo, nói chuyện hơi kinh cuồng, ngài rộng lượng, tha thứ cho nó!

Hắn nhẹ nhàng bóc qua chuyện này, nói thẳng vào mục đích đến:

- Năm này, cụ tôi ăn tết ở nhà Ngũ bá phụ, nào ngờ vú hầu của Tứ muội chạy đến ngõ Hòe Thụ khóc lóc, nói cái gì Tống gia muốn bỏ vợ. Cụ tôi tức giận đến độ ngất xỉu, tỉnh lại lập tức vỗ giường gọi Ngũ bá phụ và Ngũ bá mẫu tới trách mắng một hồi, hỏi ai mai mối hôn sự này? Đậu gia chúng tôi trăm đời không có nam đinh phạm tội, nữ quyến tái giá, càng đừng nói đến chuyện cô nương bị nhà chồng bỏ.

Đậu Đức Xương buồn bã kể:

- Đậu gia chúng tôi ở Chân Định là chủ yếu, ở kinh thành chỉ có mấy phòng, hơn nữa đều là các trưởng bối lớn tuổi đã lên chức ông bà, vãn bối thì giống như tôi này, tuổi quá nhỏ, vẫn đang học ở Quốc Tử Giám. Vừa lúc cháu trai này của tôi vào kinh dự thi, cụ tôi bèn bảo nó cùng tôi tới quý phủ, hỏi xem rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Nếu Tống gia thật sự coi thường Đậu gia, Đậu gia chúng tôi cũng không đeo bám đòi công đạo, bây giờ lập tức kiểm kê hồi môn của Tứ muội, đón Tứ muội về. Cụ tôi cũng có thêm người chăm sóc, vui vẻ đón năm mới!.

Lời cuối này ngữ khí sắc bén, thái độ lạnh lùng, vô cùng nghiêm túc.

- Ngũ bá phụ của tôi còn đang quỳ trước mặt cụ, đợi kết quả từ tôi, cụ mới bằng lòng bỏ qua!

Tống Nghi Xuân tức run người, máu xông lên não.

Bảo sao Đậu thị lại ngang ngược như vậy, hóa ra là truyền thống gia tộc!

Ông đã sớm không thích đứa con dâu này, giờ Đậu gia bọn họ muốn mang người về, chẳng lẽ còn hy vọng ông lưu luyến giữ lại?

Tống Nghi Xuân lớn tiếng gọi:

-Tăng Ngũ! Mau đưa Đậu cữu gia và cháu trai đi kiểm kê hồi môn của phu nhân!

Đào Khí Trọng lập tức bước lên, chắn trước mặt Tống Nghi Xuân, khách sáo hành lễ với Đậu Đức Xương và Đậu Khải Tuấn đang hếch lỗ mũi lên trời, giới thiệu bản thân rồi cười nói:

- Tu trăm năm mới ngồi chung thuyền. Thế tử gia và phu nhân có duyên, không thì hai nhà cách xa như vậy làm sao có thể trở thành thông gia? Người xưa có câu: "Thà hủy đi một tòa miếu cũng không phá hỏng một mối hôn sự." Hai vị còn trẻ, không hiểu sinh hoạt trong nhà công khanh thế gia, đầu lưỡi hàm răng khó tránh khỏi khập khiễng, đâu thể chỉ vì một vài chuyện nhỏ đã la hét đòi đón người về. Tôi thấy chi bằng Đậu cữu gia và thiếu gia hạ hỏa trước, sau đó nói chuyện với phu nhân.

Rồi đưa tay mời ra cửa, lại bay nhanh sang bên Tống Nghi Xuân, thì thầm:

- Lão phu nhân ở góa mấy chục năm không nói đạo lý. Đậu các lão cũng khó trái lời mẫu thân, không thì đã không phái hai vị trẻ tuổi này tới. Ngài cần gì phải chấp nhặt cùng bọn họ.

Chẳng lẽ cứ bỏ qua như vậy?

Tống Nghi Xuân siết chặt nắm đấm, mặt trắng bệch vì tức giận.

Ai ngờ người ta lại không theo tính toán của Đào Khí Trọng.

Đậu Đức Xương lắc đầu:

- Không cần! Thất thúc phụ không có con trai, vì muốn con gái đứng vững ở nhà chồng mà chia một nửa tài sản Tây Đậu cho Tứ muội. Cụ tôi đã dặn dò, bằng bất cứ giá nào, hôm nay cũng phải đón được Tứ muội về, thậm chí xe ngựa chở đồ cũng đã dắt đến. Mời quốc công gia gọi thế tử gia lại đây, để thế tử gia viết giấy bỏ vợ, chúng ta cũng nhanh chóng được về nhà uống trà nóng.

Một nửa tài sản Tây Đậu?

Thì ra là vậy!

Tống Nghi Xuân và Đào Khí Trọng không hẹn mà cùng vỡ lẽ, liếc nhìn nhau.

Hoá ra không phải chỉ đến làm dáng!

Ông nóng máu.

Dựa vào cái gì mà bắt chúng ta nhổ tiền ra?

Nhưng tiếp theo, ông lại nhận ra số tiền đó đều nằm trong tay Tống Mặc... Oán hận nghĩ bụng: "Nếu thả Đậu thị về, Tống Mặc lấy gì đấu với mình?"

Nếu có cơ hội bẻ gãy hai cánh của Tống Mặc, thanh danh có đáng gì?

Ông hét lớn:

- Người đâu! Đưa Đậu cữu gia và cháu trai đến Di Chí Đường kiểm kê hồi môn của phu nhân!

Không một chút ý định níu giữ.

Đậu Đức Xương và Đậu Khải Tuấn thầm rùng mình.

Người thường nghe nói con dâu có nhiều hồi môn đều sẽ tạm thời giữ lại, Tống Nghi Xuân thì trái ngược hoàn toàn.

Tống gia chắc chắn có vấn đề!

Đậu Đức Xương và Đậu Khải Tuấn cùng nhau trải qua không biết bao nhiêu chuyện như này, đã sớm ăn ý vô cùng, không cần trao đổi ánh mắt, lập tức có thể kẻ tung người hứng.

- Ta đi gặp Tứ muội. Cháu ở đây lấy giấy bỏ vợ. - Đậu Đức Xương bình tĩnh dặn dò Đậu Khải Tuấn rồi sải bước theo Tăng Ngũ ra khỏi phòng khách.

Đậu Khải Tuấn ngồi xuống ghế, lạnh lùng nói:

- Xin quốc công gia gọi thế tử gia đến để cùng tôi viết giấy bỏ vợ. Cô Tứ nhà chúng tôi muốn trở về, nhưng không thể về với kiểu không minh bạch.

Tống Mặc chắc chắn không đồng ý bỏ vợ!

Tống Nghi Xuân nói:

- Thế tử gia đang ở trong cung. Khi nào hắn về, ta sẽ bảo hắn viết giấy bỏ vợ rồi đưa đến quý phủ.

Đậu Khải Tuấn cười mỉa:

- Ngài tưởng tôi là đồ ngốc à? Không có giấy bỏ vợ, cô Tứ theo chúng tôi về, để hồi môn ở lại... Tống gia khinh người quá rồi đó! Hôm nay, nếu thế tử gia viết giấy hưu thê thì coi như xong, còn nếu không viết, tôi lập tức đến phủ Thuận Thiên, để xem từ lúc khai quốc đến giờ có trường hợp nào như này không!

Dù khiến Tống Mặc chọc vào tổ ong vò vẽ, Tống Nghi Xuân cũng mãn nguyện vô cùng.

- Ngươi yên tâm! Con dâu như vậy tặng ta, ta cũng không cần. Các ngươi cứ đưa người về, ta sẽ gửi giấy bỏ vợ sau.

- Được! - Đậu Khải Tuấn sảng khoái đáp, nhưng không hề tin Tống Nghi Xuân. - Thương nhân nào cũng muốn tiền trao cháo múc. Tôi đưa người về, ngài không chịu giao hồi môn thì làm sao? Tôi thấy hay là như vậy đi. Quốc công gia viết bằng chứng cho tôi trước, chứng thực từ nay về sau hai nhà không còn quan hệ, sau đó đóng dấu riêng của ngài lên. Tôi mang về cho cụ nhà xem, hôm sau chúng tôi danh chính ngôn đến chuyển đồ.

Muốn mình viết bằng chứng cho Đậu gia?

Bản năng mách bảo nguy hiểm, Tống Nghi Xuân không chịu:

- Làm gì có chuyện con trai bỏ vợ, phụ thân viết giấy chứng thực!

Bạn đang đọc truyện trên truyenvang.com