Tiệm Tạp Hóa Cấm Nuôi Hổ Đói

Chương 10: Phải bảo vệ cái nhà này thật tốt thay bố



Đã rất lâu rồi Hàng Du Ninh không bị sốt.

Hồi nhỏ, sức khỏe của cô thật sự rất yếu, trời lạnh bị sốt, trời nóng cũng bị sốt, khóc một trận bị sốt, mà vui quá cũng bị sốt.

Sau này phát hiện đó là do cô được nuông chiều quá mức, đến tám tuổi, Trương Thục Phân không còn tiền chữa bệnh cho cô, tự dưng cô không còn ốm đau gì nữa.

Lần này, có lẽ là do bị dọa sợ.

Hình ảnh người phụ nữ tên Tiểu Ngọc quỳ gối trước đám đàn ông như những con lợn tr@n truồng hiện lên trong đầu cô, quái dị và kinh khủng, không ngừng lởn vởn trong tâm trí cô.

Lúc sau, hình ảnh lại biến thành Hứa Dã, anh cười đùa thoải mái với đám người đó, trong thoáng chốc, anh cũng trở thành một thành viên của đám lợn ấy.

“Không, không!” Hàng Du Ninh thét lên.

“Đừng la nữa, ăn đi!”

Hàng Du Ninh mở đôi mắt đầy tơ máu ra, nhìn thấy Trương Thục Phân đứng bên giường.

Trương Thục Phân không muốn đưa cô đến bệnh viện, chỉ mở một lon đào đóng hộp rồi dùng thìa đút cho cô: “Ăn đi, ăn xong đổ mồ hôi là khỏe.”

Hàng Du Ninh bắt đầu nói mê: “Mẹ ơi, anh Tiểu Dã nói, anh ấy sẽ chở con đi học bằng xe đạp.”

Trương Thục Phân bực mình nói: “Đừng giả vờ nữa, ăn nhanh lên!”

Hàng Du Ninh nhìn bà ấy, nước mắt lưng tròng vì sốt cao, cô nhỏ giọng hỏi: “Mẹ ơi, tại sao con không được đi học?”

Trương Thục Phân chợt sững lại, không biết cô đang nói mê sảng hay thật sự thốt ra lời từ tận đáy lòng.

Sau khi Hàng Tầm đi, đúng lúc kỳ thi đại học được khôi phục, Hàng Kiến Thiết trở về từ khu thanh niên xung phong, nhất quyết đòi tham gia thi đại học.

Thế thì thi thôi, thi một năm không đỗ, lại đòi thi thêm một năm nữa.

Nhưng Trương Thục Phân thật sự không chịu nổi nữa, chuyển đến Tưởng Gia Lý, gia đình bốn người chỉ dựa vào bà ấy chăm heo kiếm tiền, bà ấy thực sự không nuôi nổi ba miệng ăn.

Bà ấy khuyên can đủ đường, bảo Hàng Nhã Phỉ học hết cấp ba rồi về, nhờ cô của cô ấy sắp xếp vào nhà máy làm việc.

Nhưng Nhã Phỉ rất dứt khoát: "Nếu mẹ không cho con học đại học, con sẽ chết. Con sẽ nằm thẳng đơ trên giường ba ngày liền, một giọt nước cũng không uống.”

Trương Thục Phân đành phải cho Hàng Du Ninh nghỉ học, dù nói là tốt nghiệp cấp hai nhưng thật ra cô còn chưa học hết cấp hai.

Bà ấy đành phải cứng rắn nghĩ: Dù sao con bé cũng không học giỏi, có cố cũng chẳng đỗ cấp ba được.

Nhưng trong lòng bà ấy biết, Hàng Du Ninh luôn muốn thi vào trường cảnh sát. Từ nhỏ, cô đã thích lén mặc đồng phục cảnh sát của Hàng Tầm, chiếc mũ lưỡi trai lớn che kín cả khuôn mặt, vậy mà cô vẫn cười khúc khích.

Hàng Tầm cười nói: “Con người ai cũng có con đường của riêng mình. Ninh Ninh sinh ra là để làm cảnh sát.”

Bà ấy vẫn còn nhớ nụ cười rạng rỡ của Hàng Tầm, cả khuôn mặt giãn ra, thậm chí những nếp nhăn cũng trông thật dịu dàng.

Chắc chắn ông ấy sẽ trách bà ấy, sau đó Hàng Kiến Thiết thi đỗ trường ở Bắc Kinh, Hàng Nhã Phỉ đỗ trường ở Phúc Đán, nhưng đứa con ông ấy yêu quý nhất - Hàng Du Ninh không trở thành cảnh sát.

Trương Thục Phân chớp mắt làm nước mắt rơi, cố nhét thìa cháo vào miệng Hàng Du Ninh, nói: “Được rồi, sau này con sẽ đi học, ai cũng sẽ được đi học, dù thế nào mẹ cũng đáng phải mệt đến chết.”

Cảm giác mát lạnh trong miệng giúp Hàng Du Ninh tỉnh táo hơn một chút, cô gắng gượng ngồi dậy hỏi: “Bao giờ chị con về thế ạ?”

“Chẳng phải tuần sau sao?”

Hàng Du Ninh vừa cố gượng dậy vừa nói: “Con phải gọi điện cho chị.”

“Con làm gì vậy, cứ cựa quậy như thế thì làm sao mà toát mồ hôi được!” Trương Thục Phân cuống lên, liên tục hỏi cô gọi điện làm gì.

Cô không trả lời, gọi thẳng đến khách sạn nơi Hàng Nhã Phỉ đang ở.

Hàng Nhã Phỉ mãi mới nghe máy, giọng rất lạnh lùng: “Có chuyện gì?”

“Chị ơi, khi nào chị về?”

“Thứ Sáu tuần sau.”

Hàng Du Ninh nói: “Vậy, chị có thể đừng về nhà được không, cứ về thẳng ký túc xá ấy.”

“Tại sao?”

Hàng Du Ninh hoa mắt chóng mặt, không thể bịa ra lý do hợp lý, đành nói thật: “Đợt này Tưởng Gia Lý không yên ổn, sớm muộn gì cũng có chuyện, chị về muộn một chút để tránh đi.”

“Em bị khùng à?” Hàng Nhã Phỉ lạnh lùng nói: “Đưa điện thoại cho mẹ!”

Hàng Du Ninh như người mộng du bước đi, cách xa vẫn có thể nghe tiếng Trương Thục Phân: “Đúng đúng, nó sốt cao quá nên nói nhảm thôi.”

Hàng Nhã Phỉ sẽ không nghe lời, Hàng Du Ninh nghĩ. Giá mà cô cũng là cảnh sát giống như bố thì tốt biết mấy, vậy thì cô có thể bảo vệ Hàng Nhã Phỉ rồi.

Hàng Du Ninh chậm rãi nhắm mắt lại, cuối cùng chìm vào giấc ngủ mê man.

Cô mơ thấy khi mình tám tuổi, cô cũng bị ốm, trong nhà chỉ có mình cô. Cô đứng trên chiếc ghế nhỏ, lén dùng ống hút uống thuốc để thổi bong bóng xà phòng, tạo ra những quả bong bóng đủ màu sắc.

Giọng nói của bố vang lên ngay lúc ấy.

Ông ấy nói: “Ninh Ninh, trốn đi, dù ai gọi cửa cũng không được mở.”

Cô ngây người nhìn cánh cửa sắt, dòng máu đen đặc đang từ từ chảy vào qua khe cửa.

“Bố ơi...”

Một tiếng động lớn vang lên, như có vật nặng gì đó va vào cửa.

Hàng Du Ninh òa khóc: “Bố ơi, bố ơi!”

Cô chạy đến bên cửa, muốn mở ra, nhưng cửa đã bị khóa từ lúc sáng, cô không tài nào mở được.

Cô chỉ có thể gọi hết lần này đến lần khác.

Không biết qua bao lâu, âm thanh ngừng lại, chỉ còn sự im lặng chết chóc.

Cô khóc vì sợ, nhỏ giọng gọi: “Bố ơi, bố ơi.”

Rất lâu sau đó, cô nghe thấy giọng nói dịu dàng của bố: “Ơi.”

Đó là lần cuối cùng Hàng Tầm đáp lại lời cô gọi.

“Ninh Ninh... con phải nhớ, dù thế nào cũng phải nhớ...”

Cô áp tai vào cánh cửa sắt, giống như đang ghé sát một vùng biển đen thẳm.

Phải nhớ điều gì, rốt cuộc phải nhớ điều gì? Cảnh tượng này đã xuất hiện trong giấc mơ của cô vô số lần, đến cả những hạt bụi lơ lửng trong ánh nắng cũng hiện rõ mồn một, chỉ có câu nói đó là cô không bao giờ nghe rõ được.

Cô cảm thấy đó là một cái tên, tên của kẻ giết người.

Sau cơn nghẹt thở như bị chết đuối, cô nghe thấy câu cuối cùng của bố: “... Thôi được rồi, con phải bảo vệ cái nhà này thật tốt thay bố nhé.”

“Không!”

Hàng Du Ninh giật mình tỉnh giấc khỏi cơn ác mộng, trước mắt không có gì cả, không có cửa sắt, không có máu, cũng không có bố.

Chỉ có trần nhà dán đầy những tờ báo cũ đã loang lổ những vết ẩm mốc ở gần ngay trước mắt.

Từ khi chuyển đến đây, mỗi lần thức dậy, Hàng Du Ninh đều mất một khoảng thời gian dài mới có thể tỉnh táo lại, nơi này không phải căn nhà ở Đông Bắc.

Đồng hồ chỉ bốn giờ sáng, ngoài cửa sổ đã có vệt ánh sáng lờ mờ.

Cô sờ trán mình, vẫn còn hơi nóng.

Nhưng cô vẫn chậm rãi xuống giường, chạy ra bờ sông Tiền Đường và bắt đầu tập quyền.

Đấm thẳng, cúi người, đấm móc, xoay vòng...

Bài quyền này do bố dạy cô. Ông ấy nói, học võ có thể giúp tĩnh tâm, nếu lúc nào con cũng nghĩ ai cũng có thể làm hại con thì con sẽ mãi mãi sống trong sợ hãi và lo lắng.

Nhưng mười mấy năm qua, dù cô chưa bao giờ ngừng luyện võ, nỗi sợ cũng chưa bao giờ rời bỏ cô.

Thuỷ triều mang theo ánh bình minh đầu tiên dâng lên bờ, Hàng Du Ninh thu thế, bật người nhảy lên, nhẹ nhàng như một chú chim vàng anh.

Những ngày này, dù cô vẫn hơi yếu vì bị ốm, nhưng cô đã làm rất nhiều việc, giặt hết đống quần áo tích trữ, cùng mẹ bịt kín cửa sổ lại.

Ban ngày, cô gắng gượng đứng trông cửa hàng.

Không có tin tức gì từ Hứa Dã, người đàn ông này như đã biến mất.

Chỉ có Cố A Phúc, thỉnh thoảng cô thấy cậu ta vội vàng đi ngang qua trước cửa. Mặc đồ lao động, trông cậu ta chẳng khác gì một thanh niên bình thường, chẳng trách trước đây cô không để ý đến cậu ta.

Cô đã ăn hết lon đào vàng đóng hộp, ăn cả bánh trôi rượu nếp mà bà Hồ cho, rồi cả rổ hạt sen do bọn trẻ hái cho cô, nhưng trận ốm chẳng hề thuyên giảm, mỗi đêm cơn sốt lại càng dữ dội hơn.

Cô bàn với Trương Thục Phân có thể để cô ngủ ở phòng ngoài được không.

Trương Thục Phân không đồng ý, phòng ngoài gần với tiệm tạp hóa hơn, đêm có người mua đồ thì bà ấy có thể nghe thấy.

Hàng Du Ninh nói: "Nhưng phòng trong bí quá, còn phải leo lên giường tầng, con rất khó chịu."

Từ sau khi mất trộm quần áo, Trương Thục Phân đã bịt cửa sổ phòng trong lại. Mùa hè ở Giang Nam, phòng trong cực kỳ bí bách, chẳng khác gì một cái lồ ng hấp.

Ngược lại, phòng ngoài có khe hở nhỏ ở cửa tiệm tạp hóa nên có gió đêm lùa vào, mát mẻ hơn nhiều.

Trương Thục Phân đồng ý.

Hàng Du Ninh kiểm tra lại hàng hóa trong tiệm, đốt một cuộn hương muỗi, dùng khóa xe đạp cài hờ ở cửa, đảm bảo khe cửa đủ cho gió lùa vào, sau đó mới yên tâm nằm xuống giường.

Tiếng ve dần tắt, yên tĩnh đến mức cô có thể nghe thấy tiếng dây tóc bóng đèn kêu lách tách. Đèn đường nhấp nháy vài cái rồi tắt hẳn.

Cả khu Tưởng Gia Lý chìm vào bóng tối mà giơ tay lên không nhìn thấy năm ngón, Hàng Du Ninh cũng nhắm mắt lại.

Tiếng tích tắc của đồng hồ vang lên, khi kim đồng hồ dần chỉ đến hai rưỡi...

Hàng Du Ninh mở bừng mắt ra!

Giữa bóng tối dày đặc, một khuôn mặt đờ đẫn và đen nhẻm đang kề sát trước mặt cô! Giống như một cơn ác mộng.

Lần này Hàng Du Ninh không sợ, cũng không khóc.

Chỉ trong tích tắc, cô rút một con dao nhỏ ở dưới gối ra, đâm thẳng vào mắt người kia.

Đối phương không kịp phản ứng, ngửa người tránh.

Đây chính là khoảnh khắc mà Hàng Du Ninh chờ đợi, cô đạp một phát lên ngực gã. Nhưng kẻ đó khỏe đến khó tin, thoắt cái đã thoát khỏi sự khống chế, lao về phía cô.

Bóng dáng to lớn của gã hắt lên tường, phát ra tiếng gào rú không giống tiếng người: "Tao giết mày! Tao phải giết mày!"

Tiếng động quá lớn làm Trương Thục Phân ở phòng trong giật mình tỉnh giấc: "Có chuyện gì vậy? Có phải trộm vào không?"

Bà ấy muốn chạy ra nhưng phát hiện cửa bị khóa trái, chỉ có thể đập cửa liên hồi: "Hàng Du Ninh! Hàng Du Ninh! Mở cửa ra!"

Bà ấy lại lao đến cửa sổ, gào lên: "Có ai không! Cứu với! Có trộm!"

Hàng Du Ninh nhanh chóng né những đòn tấn công của kẻ kia, trong chớp mắt đã áp sát phía sau lưng gã, cô ép gã vào tường, bẻ quặt tay gã ra sau, lấy sợi dây chuẩn bị sẵn để trói gã lại.

Gã vẫn đang giãy giụa, vung tay cào cấu mặt cô.

Hàng Du Ninh giơ cao con dao lên, đâm thẳng vào lòng bàn tay gã không một chút do dự. Khi gã đau đớn gào lên, cuối cùng cô cũng trói chặt gã lại.

Cô đã chờ kẻ này quá lâu, lâu đến mức cô nghĩ mình đã đoán sai.

Nhưng cuối cùng, gã cũng đến.

Tiếng hàng xóm vang lên, nói chuyện ồn ào bên ngoài tiệm tạp hóa Thục Phân, ánh sáng từ vô số đèn pin chiếu tới: "A Ninh, A Ninh! Cháu thế nào rồi? Không sao chứ?"

Hàng Du Ninh định nói không sao, nhưng khi quay đầu lại, cô nhìn thấy mặt mình trong gương.

Lạnh lùng, vô hồn, dính đầy máu, trông mà giật mình.

Cô nhìn vào tay mình, bàn tay vừa cầm con dao đang run rẩy dữ dội.

Đây là lần đầu tiên cô ra tay với một người, cũng là lần đầu tiên thấy máu.

Cô không hối hận.

Cô đã bảo vệ Hàng Nhã Phỉ.

Cô đã hứa với bố sẽ bảo vệ cái nhà này thật tốt.


Bạn đang đọc truyện trên truyenvang.com