Ngày thi của họ là vào hai ngày 10 và 11 tháng Mười Hai.
Tất cả thí sinh sau hơn một tháng học hành điên cuồng, đều mong chờ tỏa sáng trong hai ngày này.
Hai ngày thi này thật sự không dễ dàng gì.
Vì địa điểm thi được đặt tại trường trung học huyện, mà bọn họ lại không sống trong huyện, nên mỗi sáng đều phải xuất phát từ lúc ba giờ hơn, chưa đến bốn giờ đã rời nhà.
Buổi sáng thi lúc tám giờ rưỡi, mà còn phải vào phòng thi trước nửa tiếng, tức là họ phải đến điểm thi trước tám giờ.
Tuy đội sản xuất Ngưu Mông cách huyện khá xa, nhưng mỗi sáng, tất cả đều kịp đến điểm thi đúng giờ.
Khác với nhóm Đổng Kiến đi xe lừa nhà họ Lão Đào vào thành, Bạch Nguyệt Quý lại được Chu Dã đưa đi thi bằng chiếc xe đạp “Đại Kim Lộc” của anh.
Cô ngồi phía sau, trong tay ôm túi chườm nước nóng, dù sáng sớm có lạnh đến mấy cũng chẳng thấy rét là bao.
Chu Dã thì ngồi trước lái xe, đạp Đại Kim Lộc lao vùn vụt lên huyện.
Tới nơi, việc đầu tiên anh làm là xem đồng hồ.
Thế mới thấy anh là người có của trong thôn.
Đồng hồ, xe đạp đều có đủ, chỉ là sống quá kín tiếng mà thôi. Chiếc đồng hồ đó, anh chỉ mang ra dùng khi đi lấy hàng hoặc giao hàng, bình thường thì giấu biệt đi.
Trong thôn chỉ có Bạch Nguyệt Quý biết anh có đồng hồ, ngay cả đám con nhỏ cũng chưa từng thấy nó.
Lần đầu tiên anh kiếm được tiền là chuộc lại chiếc vòng vàng của mình, lần thứ hai là để mua chiếc đồng hồ này, tiện cho việc xem giờ khi buôn bán.
Từ ba giờ hơn sáng khởi hành, đến huyện chưa tới bảy giờ.
Chỉ vậy thôi cũng đủ thấy Chu Dã đã đạp xe nhanh cỡ nào — đạp đến mức đầu bốc khói!
Giữa trời đông giá lạnh, mồ hôi vẫn túa đầy trán anh.
Bạch Nguyệt Quý thấy thời gian vẫn còn thoải mái, liền bảo anh chậm lại một chút, nhưng Chu Dã không muốn.
So với việc vợ anh đi thi đại học, chút mệt này tính là gì chứ? Tất cả chỉ là chuyện nhỏ.
Anh đến huyện trước bảy giờ, còn kịp đưa cô đi ăn sáng, gọi cho cô bánh bao thịt, sủi cảo nhân thịt cho đủ chất.
Ăn sáng xong, thong thả đi đến trường trung học làm thủ tục thi vẫn kịp.
Đó là buổi thi sáng, toàn bộ thời gian Chu Dã đều ở bên cạnh.
Còn buổi chiều tiếp tục thi nữa, vì bắt đầu lúc hai giờ nên đương nhiên không cần quay về.
Chu Dã đã nghĩ sẵn cách để cô có thể nghỉ trưa, anh hỏi cô có kiêng kị bệnh viện không?
Bạch Nguyệt Quý lắc đầu, hỏi anh ý gì. Chu Dã liền nói là trong lúc cô thi, anh đã liên hệ với y tá trưởng trong bệnh viện để mượn một chiếc giường cho cô ngủ trưa.
Nếu người khác đến xin, chắc chắn y tá trưởng sẽ không đồng ý, nhưng Chu Dã và Bạch Nguyệt Quý thì khác. Cô y tá đó có ấn tượng rất sâu sắc với vợ chồng họ.
Đặc biệt là Bạch Nguyệt Quý, cô sinh hai cặp sinh đôi ở chính bệnh viện đó, mà bản thân y tá trưởng cũng tham gia ca sinh ấy, đến mức trở thành chuyện “khoe mẽ suốt đời” của chị.
Giờ cô đến thi đại học, muốn mượn một chỗ nghỉ trưa, nếu không có bệnh nhân, thì tất nhiên chị sẽ giúp, thậm chí còn đặc biệt giữ lại một phòng trống riêng cho Bạch Nguyệt Quý.
Vì vậy, khác với những người như Sở Sương, sau khi ăn trưa xong, Bạch Nguyệt Quý còn có thể ngủ một giấc.
Dĩ nhiên, như Sở Sương và các thí sinh khác, dù có chỗ ngủ cũng không ngủ, ăn xong vẫn cố gắng nhồi thêm kiến thức, dù chỉ là “gần vạch vôi” vẫn còn có thể lật kèo!
Nhưng theo Chu Dã, vợ anh mà không nghỉ trưa là không được. Sáng dậy quá sớm, thi cử thì anh không hiểu, nhưng cũng biết tốn sức lắm chứ.
Anh đứng chờ ngoài điểm thi, thấy có thí sinh vừa bước ra là khóc òa, sắc mặt thì trắng bệch như tờ giấy.
Không nói những người không quen biết, chỉ riêng mấy người quen như Sở Sương, Hứa Nhã cũng chẳng khá hơn là bao.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.net.vn -
Vì vậy, anh nhất định phải kiếm cho vợ mình một chỗ nghỉ ngơi lấy lại tinh thần để chiều còn thi tiếp.
Còn nói bệnh viện không sạch sẽ, không may mắn ư? Chu Dã anh chẳng tin mấy chuyện đó. Nơi nào có anh và vợ anh ở, nơi đó sẽ tự nhiên hóa thành may mắn!
Đúng vậy, anh Dã là người tự tin như thế đấy!
May mắn thay, vợ anh cũng chẳng câu nệ.
Bạch Nguyệt Quý cảm động trước sự chu đáo của người chồng thô lỗ mà dịu dàng, nên dĩ nhiên không từ chối. Sau khi ăn hết bát sủi cảo do Chu Dã gọi về, cô liền đi ngủ.
Ngủ từ 11 giờ rưỡi đến 1 giờ, cả người như được hồi phục hoàn toàn.
Cô rửa mặt, rồi ăn thêm hai quả táo không biết Chu Dã moi từ đâu ra, sau đó cùng nhau đến trường trung học.
Buổi chiều thi lúc 2 giờ, nên phải đến phòng thi trước 1 giờ 30.
Mãi đến chiều ngày 11, khi môn Lịch sử - Địa lý kết thúc, kỳ thi đại học lần này mới thực sự khép lại.
Khoảnh khắc bước ra khỏi phòng thi và nhìn thấy Chu Dã đang đứng chờ bên chiếc xe đạp, tim Bạch Nguyệt Quý bỗng chốc ấm áp hẳn lên.
Chu Dã lập tức đưa túi chườm nước nóng tới: “Vợ à, lạnh không? Cầm lấy đi.”