Không bao lâu sau, anh em Cố Quảng Hạ và Cố Quảng Thu trở về. Cả hai đều là anh họ của Chu Dã, Cố Quảng Hạ là anh lớn, đã lập gia đình và có con. Còn Cố Quảng Thu thì chỉ lớn hơn Chu Dã một tuổi, nhưng hồi tám tuổi bị sốt cao làm hỏng dây thanh quản, từ đó không nói được, thành người câm. Vì thế mãi đến giờ vẫn chưa cưới được vợ.
Gia đình từng nhờ mai mối tìm người cho Quảng Thu, nhưng hễ nghe nói là người câm thì nhà gái nào cũng lắc đầu. Có người mai mối, nhưng người giới thiệu thì toàn là goá phụ, hoặc lớn hơn Quảng Thu đến tám, mười tuổi, thậm chí có người còn mang theo hai, ba đứa con nhỏ.
Ông bà Cố thì không muốn, bản thân Quảng Thu cũng chẳng chịu, thế là chuyện cứ bị kéo dài mãi. Giờ đã hai mươi ba tuổi mà vẫn chưa lấy vợ, trong khi thời này người ta kết hôn sớm, tuổi ấy nhiều người đã có con đi mua xì dầu rồi. Như Cố Quảng Hạ, lấy vợ sớm, đứa lớn giờ đã bảy tuổi.
Hai anh em xách về một thùng gỗ, bên trong có bảy tám con cá, con nào con nấy béo ú mập mạp. Nhìn thấy Chu Dã, Cố Quảng Hạ cười tươi:
“Cậu tới đúng lúc đấy, mang mấy con cá về cho vợ ăn nhé!”
“Thế thì em không khách sáo với anh Hạ, anh Thu đâu nha!” Chu Dã nhìn đống cá cũng thích, cười tươi rói.
“Khách sáo cái gì.”, Quảng Hạ cười đáp.
Hạt Dẻ Rang Đường
Quảng Thu cũng vỗ vai Chu Dã cười thân mật, tuy không nói được nhưng cũng thể hiện rõ tình cảm.
Chu Dã đã lâu không về, nên cũng ngồi trò chuyện một lúc với hai anh họ đến tận đầu giờ chiều mới xách ba con cá béo về.
_____
Sau khi Chu Dã rời đi không lâu, vợ Quảng Hạ dẫn hai đứa con, một trai, một gái, về tới. Nhà mẹ đẻ cô ấy cũng gần nên đi lại tiện. Vừa về tới sân thấy chồng đang xử lý thỏ thì tò mò hỏi:
“Thỏ ở đâu ra thế?”
“Chu Dã đến báo tin vui, vợ nó có thai rồi, con thỏ này là nó mang đến biếu đấy.” Quảng Hạ vừa làm vừa đáp.
Vợ Quảng Hạ thèm thỏ quá, liền nói:
“Vậy tối nay nhà mình được ăn thịt thỏ hả?”
“Ăn gì mà ăn, hong khô để dành Tết. Đến lúc đó Tiểu Dã với vợ nó cũng sang đây.”, mợ từ trong nhà vừa bện dây vừa nói vọng ra.
Nghe vậy, vợ Quảng Hạ hơi ngạc nhiên nhưng cũng nhiều chuyện, vào nhà hỏi ngay:
“Em họ Chu và vợ cậu ấy giờ yên ổn rồi à? Hôm trước chị Triệu Mỹ Hương còn về kể rằng vợ cậu ấy không ra gì mà?”
“Đó là người ta đồn bậy, con đừng học theo. Giờ Tiểu Dã với vợ nó sống rất tốt!”, mợ nói chắc như đinh đóng cột.
Vợ Quảng Hạ cười hì hì:
“Mẹ nói gì vậy, con còn mong hai đứa nó sống tốt kìa!”
Mợ vốn hiểu tính con dâu mình, nhưng cuối cùng không nói gì thêm.
Vợ Quảng Hạ nhân cơ hội ghé sát lại, thì thầm:
“Mẹ ơi, lần này về nhà mẹ ruột, mẹ con có nhắc đến một cô gái bên đội mẹ, rất hợp với lão nhị đấy.”
Mợ nghe vậy không khỏi động tâm, chuyện cưới vợ cho đứa con trai út đúng là nỗi lo lớn nhất của vợ chồng bà, bèn hỏi:
“Điều kiện thế nào?”
“Là người đã ly hôn.”, câu đầu tiên vợ Quảng Hạ nói liền khiến bà cụ sầm mặt.
“Con không phải không muốn tìm người tốt, nhưng mẹ cũng biết rõ điều kiện của lão nhị, tìm gái chưa chồng thì không dễ gì có ai chịu. Có thì sính lễ lại cao ngất ngưởng, nhà mình đâu có tiền mà cưới, chứ đâu để cậu ấy ế tới giờ.”
Dù trong lòng bà vẫn cảm thấy con trai út nhà mình không tệ, chỉ thua người ta vì không nói được, nhưng tình hình thực tế thì khó chối cãi. Hai mươi ba tuổi rồi, nếu còn không cưới được thì sau này e rằng thật sự thành lão cô đơn.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.net.vn -
Bà liền hỏi tiếp:
“Bao nhiêu tuổi? Ly dị vì lý do gì? Có mang con theo không?”
Vợ Quảng Hạ đáp rất chi tiết:
“Hơn lão nhị ba tuổi, nhưng người ta vẫn nói ‘gái hơn ba, như vàng như ngọc’, ba tuổi thì vẫn trong tầm chấp nhận được. Không phải như lần trước cái bà mối kia giới thiệu người hơn cậu ấy tám tuổi, con thấy mà còn xót cậu ấy nữa là! Về lý do ly hôn là do chồng cũ vũ phu, đánh đập quá mức, nếu không ly hôn chắc mất mạng luôn, sống sao nổi? Còn chuyện con cái, sinh hai đứa đều là con trai, nhưng không mang theo đứa nào.”
“Còn vấn đề gì khác không?”, mợ hỏi.
“Không có vấn đề gì hết, mẹ con còn khen đấy!”, vợ Quảng Hạ đảm bảo chắc nịch.
Mợ tuy nghe xong nhưng không vội đồng ý, chỉ nói sẽ suy nghĩ thêm.
______
Còn Chu Dã sau khi mang ba con cá về đến nhà thì tâm trạng rất vui vẻ. Trên đường về, đi ngang qua nhà lão đội trưởng, anh còn gửi tặng một con.
Lão đội trưởng lắc đầu, nói:
“Vợ cậu đang mang thai, còn mang cá đến cho tôi làm gì, cầm về tẩm bổ cho vợ đi!”
“Tôi còn hai con nữa mà.” Chu Dã cười cười, cố tình nhét con cá vào tay lão đội trưởng, kiên quyết để lại.
Nhìn bóng dáng Chu Dã quay đi, lão đội trưởng rít một hơi thuốc lào, quay sang vợ nói:
“Nó bảo sang năm sẽ làm ăn đàng hoàng, không biết có đáng tin được mấy phần.”
Vợ ông cười nhẹ:
“Cô thanh niên trí thức họ Bạch kia đã mang thai rồi, tất nhiên nó phải lo làm ăn, không thì vợ con theo nó mà chịu đói à. Tôi thấy nó đối xử với cô ấy cũng thật lòng đấy.”
Rồi lại cười nói:
“Con cá này cũng không nhỏ, còn mang tới biếu anh, biết rõ là anh vẫn luôn chăm sóc nó.”
Lão đội trưởng không nói gì thêm. Ông giúp đỡ Chu Dã nhiều hơn chỉ vì bố mẹ anh đều đã mất, nên ông thương tình mà để ý hơn đôi chút.
Nhưng phải nói thật, Chu Dã là đứa biết điều. Trước đó nhà ông cháu nhỏ thiếu sữa, khóc suốt vì đói, chính là Chu Dã không biết từ đâu kiếm được một túi sữa bột mang sang giúp, khiến cả nhà ông nhớ ơn mãi.
Thế nên với một số việc của Chu Dã, ông cũng làm ngơ, mắt nhắm mắt mở cho qua.
Còn Chu Dã, sau khi biếu đi một con cá thì chỉ còn hai con, đương nhiên không cho ai nữa, mang thẳng về để vợ ăn bồi bổ.
Lúc anh về tới nhà, Bạch Nguyệt Quý đang viết sách. Cô ngủ trưa dậy là lại tiếp tục viết luôn.
Thời buổi này, đặc biệt là ở vùng quê, chẳng có mấy thứ giải trí. Nói vui thì chỉ là tụ tập mấy bà hàng xóm nói chuyện tào lao, bàn chuyện đông nhà tây nhà.
Nhưng Bạch Nguyệt Quý chẳng có hứng thú với mấy chuyện ấy. Cô thà tranh thủ thời gian viết sách còn hơn. Nếu con đường này đi được, không dám nói là lật ngược tình thế mà nuôi lại người đàn ông quê mùa của mình, thì ít ra cũng giúp anh đỡ vất vả hơn.
“Vợ ơi!” Chu Dã gọi từ ngoài cửa.
“Em đang ở nhà đây.”, Bạch Nguyệt Quý đáp rồi ra mở cửa. Vừa thấy anh xách cá về, cô nhìn con cá béo ụ cỡ 2–3 cân, kinh ngạc hỏi:
“Ai cho cá thế?”
“Anh Quảng Hạ, Quảng Thu đi thả lưới, bắt được mớ cá, cho anh ba con. Anh ghé qua nhà lão đội trưởng biếu một con, còn lại hai con này mang về nấu cho em ăn.” Chu Dã nhìn vợ ngoan ngoãn ở nhà đợi mình về, cười hớn hở.
Anh phát hiện từ lúc vợ thật lòng muốn sống cùng mình, cô không còn đến trạm thanh niên trí thức nữa, thậm chí cũng ít qua lại với con mụ họ Mã kia.
Không phải anh không cho vợ kết bạn hay bắt cô ở nhà, mà là vì người họ Mã đó đúng là chẳng phải dạng tốt lành gì. Tránh được thì tránh, càng xa càng tốt!