Kính Sơn Thủy

Chương 15: Năm năm trước



Kỳ thi giữa kỳ kết thúc vào sáng Chủ nhật. Khi tiếng chuông tan học vang lên, người ngồi cuối mỗi hàng thu bài rồi lần lượt chuyền lên trên.

Lúc đưa bài kiểm tra cho người phía trước, Giản Hạnh giả vờ lơ đãng nhìn về phía chỗ ngồi của Từ Chính Thanh.

Cậu không giống những người ngồi bàn đầu khác, không sốt ruột quay lại nhìn xem bài đã chuyền đến đâu. Cậu tựa lưng vào bàn sau, dáng vẻ điềm nhiên. Chỉ đến khi người thứ hai đưa bài kiểm tra đến bên tay, cậu mới hơi nghiêng mặt, đưa tay nhận lấy, sau đó đứng dậy, chậm rãi bước lên bục giảng.

Giám thị dường như quen biết Từ Chính Thanh, thấy cậu bước tới liền tiện tay đưa cả xấp bài còn lại cho cậu luôn. Cậu bất đắc dĩ cười khẽ: “Rốt cuộc em là giáo viên hay thầy là giáo viên ạ?”

"Bây giờ thì em là giáo viên." Giám thị cầm lấy bình nước giữ nhiệt, khi lướt qua bên cậu còn trêu chọc: "Đi nào, thầy Từ, cùng lên văn phòng dạo một vòng đi."

Từ Chính Thanh đành phải đi theo.

Giản Hạnh đơn giản thu dọn mấy tờ nháp trên bàn, đúng lúc Từ Chính Thanh quay người, cô cũng xoay người trở về chỗ ngồi.

Từ Chính Thanh đi đến gần cửa sổ mới sực nhớ mình chưa lấy bút. Cậu định quay lại, nhưng khi nghiêng đầu thì lại thấy Giản Hạnh đang đứng bên cửa sổ.

Sau kỳ thi, trường cho nghỉ nguyên buổi chiều. Trong khi những người khác đều vội vã về nhà nghỉ ngơi, thì Giản Hạnh lại chậm rãi ngồi trở lại chỗ của mình, thậm chí còn có tâm tư lấy ra một tờ đề cũ.

Chỉ liếc qua một cái, Từ Chính Thanh đã nhận ra đây là đề được phát từ tuần trước, trong đó có một câu trùng với đề thi hôm nay.

Cậu nhìn cô, thấy cô hơi nhíu mày.

Không làm được?

Không biết có phải do nhìn lâu hơn một chút không, mà bất giác những hình ảnh cậu từng vô tình chạm mặt cô bắt đầu xâu chuỗi lại— hình như lúc nào Giản Hạnh cũng mang dáng vẻ thản nhiên.

Khác hẳn với những cô gái khác trong nhóm bạn của Tần Gia Minh.

Nhưng nói cô ngoan ngoãn ư… hình như cũng không phải.

Cậu nhớ lại Tần Gia Minh từng miêu tả cô thế nào nhỉ?

Nói cô ấy như một cái đinh, cũng giống một cái gai.

Mặc dù tổn thương không đáng kể, nhưng cũng không thể phớt lờ sự sắc bén của cô.

Từ Chính Thanh ban đầu định nhờ Giản Hạnh đưa giúp cây bút, nhưng trong khoảnh khắc suy nghĩ, cậu lại quay người, tự mình trở lại lớp học.

Giản Hạnh vẫn đang chăm chú nhìn vào tờ đề. Câu hỏi này lúc đầu cô đã bị kẹt một lần, sau đó vội vàng xem đáp án, hiểu được chút ít, không ngờ trong bài thi lại gặp lại nó.

Như dự đoán, cô lại mắc kẹt đúng chỗ cũ.

Con người quả nhiên không thể lười biếng, tự lừa dối mình cuối cùng cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Giản Hạnh khẽ thở dài, ngẩng đầu lên, ánh mắt như một cơn gió nhẹ thoáng lướt qua chiếc bàn ở hàng đầu. Ở đó trống trơn, không còn vương lại chút dấu vết nào của ánh sáng.

Sau kỳ thi giữa kỳ, gió lập đông thổi mang theo hơi lạnh, nhưng thứ lạnh nhất vẫn là lòng đất. Mãi đến một tuần sau tiểu tuyết, huyện Hòa mới đón trận tuyết đầu tiên.

Cũng vào ngày đó, kết quả kỳ thi giữa kỳ được công bố.

Vừa mới bắt đầu tiết tự học buổi sáng, Từ Trường Lâm đã cầm bảng điểm bước vào lớp, tất cả mọi người đồng loạt ngẩng đầu nhìn ông.

Từ Trường Lâm còn có tâm trạng đùa giỡn: “Ôi, hôm nay tôi đẹp trai đến thế sao?”

Lâm Hữu Lạc ôm ngực, khẩn thiết cầu xin: “Thầy Từ ơi, đừng trêu đùa trái tim bọn em nữa, làm ơn đi mà.”

Từ Trường Lâm nhìn sang Lâm Hữu Lạc: “Tôi cũng chẳng muốn trêu cậu, nhưng điểm lịch sử của cậu là cái gì thế hả?”

Lâm Hữu Lạc lập tức im bặt, những người khác cũng lặng thinh theo.

Lúc này, Từ Trường Lâm mới nói: “Được rồi, các cậu tự biết mình thi thế nào rồi. Bảng điểm cứ để Trần Tây cầm trước, lát nữa tan học dán lên bảng đen phía sau.”

Trần Tây vội vàng chạy lên nhận bảng điểm.

Từ Trường Lâm dặn dò thêm vài câu rồi rời đi, vẻ mặt không rõ vui hay buồn, khiến cả lớp thấp thỏm. Đợi ông đi khỏi, mọi ánh mắt lập tức dồn về phía Trần Tây, những người gần thì thò đầu hóng hớt, người xa thì chạy ùa lên.

Hứa Lộ cũng muốn biết kết quả nhưng không dám chen vào, đành nhờ Lâm Hữu Lạc: “Cậu xem giúp tôi với.”

Lâm Hữu Lạc sảng khoái đồng ý, lập tức chạy về phía Trần Tây.

Trong suốt quá trình, Giản Hạnh vẫn tỏ ra không hứng thú, khiến Hứa Lộ không nhịn được tò mò: “Giản Hạnh, cậu không thấy hồi hộp à?”

“Tớ đoán được điểm của mình rồi.” Giản Hạnh đáp.

Hứa Lộ vừa định hỏi bao nhiêu điểm thì Lâm Hữu Lạc đột nhiên hét toáng lên: “Mẹ kiếp! Giản Hạnh đỉnh thật đấy! Hạng nhất luôn kìa!”

Cả lớp đồng loạt quay đầu nhìn Giản Hạnh, cô chỉ ngẩng lên liếc một cái, rồi lại bình thản cúi đầu xuống.

Mọi người bàn tán xôn xao, chỉ có Hứa Lộ là đột nhiên im lặng.

Lâm Hữu Lạc chạy về, chọc vào lưng Hứa Lộ rồi nói: “Cậu hạng hai mươi.”

Nói xong lại quay sang hét với Giản Hạnh một câu: “Giản Hạnh, cậu đỉnh thật đấy!”

Giản Hạnh chỉ cười nhạt. Cô biết Hứa Lộ không hài lòng với kết quả của mình, nên suốt cả buổi tự học sáng không nhắc gì đến chuyện điểm số.

Hai tiết đầu tiên, Hứa Lộ cũng không có vẻ hứng thú, Giản Hạnh cố gắng không làm phiền cô ấy.

Đến giờ ra chơi, điểm số của các lớp khác cũng bắt đầu lan truyền. Người bị bàn tán nhiều nhất đương nhiên vẫn là Từ Chính Thanh.

Hạng nhất lớp, hạng nhất toàn khối, thậm chí điểm số còn cao hơn phần lớn học sinh ở lớp trọng điểm Hoành Chí.

Ngay lập tức, đủ loại lời đồn nổi lên, tất cả đều xoay quanh thành tích của cậu.

Dù sao thì, điểm thi vào cấp ba của cậu cũng chẳng có gì đáng tự hào.

“Mẹ kiếp, thế này là quá ảo rồi? Sao không vào luôn lớp trọng điểm đi? Ở đây làm gì nữa?”

Vài người từng học chung cấp hai với Từ Chính Thanh bị kéo vào để dò hỏi tin đồn, cuối cùng vẫn là Lâm Hữu Lạc đập mạnh một quyển sách xuống bàn, hét lên:

“Hỏi cái gì mà hỏi lắm thế! Người ta có bản lĩnh thi được điểm cao, liên quan quái gì đến mấy người? Ở đâu ra cái tật lắm chuyện này hả?”

Lâm Hữu Lạc bình thường hay cười cợt, ít khi nổi nóng, nhưng ai cũng biết cậu ta có quan hệ rộng rãi bên ngoài, nên lần này bất ngờ tức giận, hiệu quả lại khá tốt.

Đúng lúc đó, giáo viên ngữ văn cầm bài thi bước vào. Cô có lẽ cũng nghe được lời của Lâm Hữu Lạc, chỉ cười cười rồi nói:

“Sao thế? Quan tâm điểm người khác làm gì? Điểm của mình được bao nhiêu rồi?”

Cô giáo đã nói vậy, đương nhiên chẳng ai dám hó hé nữa.

Tiết học đầu tiên sau khi công bố điểm số đều là chữa bài thi, ngữ văn không có nhiều phần cần giảng, chủ yếu tập trung vào bài luận.

“Các em,” giáo viên ngữ văn đặt bài thi xuống bàn, chống tay nhìn cả lớp, “bài văn lần này không khó đúng không?”

Phía dưới lác đác vài tiếng đáp lại: “Không khó ạ.”

“Ừm, đồng thanh như vậy,” cô giáo gật đầu, “bảo sao bài nào cũng viết về mẹ Tổ quốc.”

Cô giáo dừng lại một chút rồi nói tiếp:

“Là sao đây? Viết về mẹ mình không được à? Ba lớp chuyển tiếp, tám mươi phần trăm bài viết về Tổ quốc, về bầu trời, về hàng không, thế nào? Lấy cảm hứng từ Từ Chính Thanh à?”

Phía dưới vang lên những tiếng bàn tán khe khẽ.

“Thế sao chính cậu ta lại không viết?”

Một câu này khiến không ít người ngẩng đầu lên.

Bao gồm cả Giản Hạnh.

Giản Hạnh thi được điểm cao, dù không kiêu ngạo, nhưng trong lòng vẫn thấy vui.

Cô luôn cảm thấy bản thân chẳng làm được bao nhiêu điều to tát, duy chỉ có việc học là ngoại lệ. Mọi công sức bỏ ra, tất cả thành quả nhận lại đều có thể thấy rõ, sờ chạm được.

Là thứ hoàn toàn thuộc về cô.

Vậy nên, đây là lần đầu tiên từ khi vào Hòa Trung, cô thật sự vui vẻ.

Nhưng chỉ một câu nói của giáo viên ngữ văn đã khiến lòng cô như bị siết chặt.

Cô vô thức nắm chặt một góc bài thi, những nếp nhăn đột ngột hằn lên, cọ vào lòng bàn tay đau âm ỉ.

Cô mở to mắt, chăm chăm nhìn giáo viên ngữ văn, cho đến khi cô giáo tiếp tục nói:

“Sao người ta lại có thể nhìn thấy những điều tốt đẹp từ mẹ mình? Mẹ trao đi yêu thương là tầm thường sao? Mẹ giúp đỡ người gặp tai nạn giao thông, dành cho họ sự quan tâm và giúp đỡ, vậy mà người ta có thể viết ra bài văn bốn mươi chín điểm? Ồ, còn được thêm hai điểm trình bày nữa.”

Xoẹt——

Một góc bài thi bị cô giật rách.

Giáo viên ngữ văn vẫn đang giảng bài, chẳng ai để ý đến bài thi của Giản Hạnh đã bị chính cô xé mất một mảnh.

Huống chi, một góc bài thi bị xé thì có thể phát ra âm thanh gì chứ?

Đó rõ ràng là âm thanh trái tim cô bị xé toạc.

Cảm xúc bỗng nhiên cuộn trào dữ dội, tầm nhìn trước mắt mơ hồ tối sầm trong chớp mắt, rồi lại hóa thành những vệt trắng xám mờ nhạt.

Tựa như màn hình tivi bị mất tín hiệu.

Âm thanh tuyết rơi xào xạc dần dần lấn át giọng của giáo viên ngữ văn, cuốn cô vào một đoạn ký ức đã phủ bụi từ lâu.

Đó là mùa hè năm lớp năm lên lớp sáu, năm ấy thị trấn Hưng không biết vì sao lại nóng đến thế. Mới tháng bảy mà nhiệt độ đã chạm ngưỡng ba mươi tám, ba mươi chín độ, mặt đường nóng đến mức có thể làm chảy cả đế giày. Ban ngày trên đường vắng vẻ, đừng nói là giữa trưa khi mặt trời treo lơ lửng trên đỉnh đầu.

Nhưng Lữ Thành vẫn phải ra ngoài. Chở hàng chẳng phân biệt ngày đêm, đông hè, ông không làm thì có người khác làm.

Lữ Thành vốn chẳng phải kẻ lười biếng, ông chịu khó, cũng chưa bao giờ kêu khổ. Dưới trời nắng như đổ lửa, mồ hôi rơi lộp độp trên mặt như cơn mưa rào, đỉnh đầu như bốc hỏa nhưng ông vẫn hăng hái đạp chiếc xe ba bánh.

Mấy năm ấy, thị trấn Hưng đang phát triển khu nhà mới, đường sá đầy những ổ gà ổ voi. Có lẽ vì trời nóng bức, thiếu nước nên nhất thời bị say nắng, lúc rẽ cua, Lữ Thành lật xe.

Trên xe là hai, ba trăm cân hàng, cộng thêm chiếc xe ba bánh gần bốn trăm cân, tất cả đều đè chặt lên người Lữ Thành. Ông theo bản năng muốn bò dậy, nhưng thanh sắt trên xe lại đâm xuyên qua chân của ông.

Mặt đường bỏng rát, bụi đất khô khốc như cát giữa sa mạc. Ông nằm sấp xuống đất, máu từ vết thương chảy ra, thấm vào nền đường, tụ thành một vũng nhỏ.

Không thể chết ở đây được.

Nhà còn có một cô con gái ngoan ngoãn và một bà cụ suốt ngày cười hiền từ kia mà.

Cả đời Lữ Thành chưa từng cứng rắn, vậy mà lúc ấy không biết lấy sức lực từ đâu, ông nghiến răng, gắng sức gạt bớt số hàng đè trên chân mình.

Đống hàng rơi xuống một bên, chặn lại bởi một đôi giày cao gót.

Lữ Thành ngước đầu lên, trong ánh nắng chói chang, ông thấy một người phụ nữ trẻ bịt chặt miệng, đôi mắt mở to kinh hoàng.

Ông nhìn ra được, cô ấy không giống mình, chỉ cần nhìn cách ăn mặc là đã thấy rõ. Những viên đá nhỏ gắn trên gót giày dù bị bụi bẩn phủ lên vẫn lóe lên ánh sáng lấp lánh. Bình thường, Lữ Thành sẽ chẳng dám nhìn lâu, nhưng giờ đây, cơn đau khiến ông không thể kiên trì được nữa, đành mở miệng cầu cứu:

“Giúp… giúp tôi với…”

Người phụ nữ như bừng tỉnh khỏi cơn bàng hoàng, lập tức quay người hét lên:

“Chồng ơi!”

Sau đó xảy ra chuyện gì, Lữ Thành không còn biết nữa.

Ông chỉ nhớ khi tỉnh lại, mình đã nằm trong bệnh viện. Bác sĩ đầu tiên là tiếc nuối nói chân ông đã tàn phế, sau đó lại an ủi một câu:

“May mà anh đã gạt bớt hàng đi một chút, nếu không thì cả nửa đời sau chắc chỉ có thể nằm trên giường thôi.”

Lúc bác sĩ nói câu này, Giản Hạnh đang đứng cạnh giường bệnh.

Lúc đó cô học lớp năm, mười hai tuổi, đã đủ lớn để hiểu hết những lời bác sĩ nói, nhưng về năng lực hành động, cô lại chẳng thể làm được gì.

Vậy nên, cô chỉ có thể nắm chặt lấy tay Lữ Thành.

Trong ký ức của Giản Hạnh, Lữ Thành luôn bị người khác mắng.

Bị Giản Như mắng là vô dụng.

Bị bà ngoại mắng là tính tình quá tốt.

Bị ông chủ giao hàng mắng là chậm chạp.

Nhưng ông rất cao, dù lưng lúc nào cũng hơi còng xuống.

Thế mà, vào ngày hôm đó, Lữ Thành đột nhiên trở nên lùn hẳn đi.

Giản Hạnh có thể ngang tầm mắt với ông, thậm chí dần dần còn có thể nhìn xuống ông.

Đặc biệt là khi ông nằm trên giường bệnh, còn cô đứng bên cạnh giường, điều chỉnh chai truyền dịch cho ông.

Cô cúi đầu, mà Lữ Thành như thể sắp chìm xuống mặt đất.

Cô biết đây là dấu hiệu của một người khi mất đi sức mạnh.

Cô thấy khó chịu vô cùng, bèn một mình chạy ra hành lang khóc.

Hành lang toàn mùi thuốc khử trùng, xen lẫn những mùi mồ hôi hỗn tạp.

Chỉ có khu vực gần phòng phẫu thuật, vì vị trí đặc thù, nên rất ít người qua lại.

Giản Hạnh ngồi xổm xuống đất, đến khi chân tê dại thì mới đứng dậy, tìm một chiếc ghế ngồi xuống.

Không biết từ lúc nào, cuối hành lang xuất hiện ba người.

Một đôi vợ chồng trẻ và Giản Như.

Vợ chồng trẻ đứng sóng vai, còn Giản Như đứng đối diện họ.

Mặt trời lặn về phía tây, ánh hoàng hôn đỏ rực chiếu nghiêng xuống, vừa vặn chia cắt bọn họ thành hai thế giới.

Trên quần áo của Giản Như có vết máu, có bụi bẩn, tóc cũng rối tung.

Bà cúi đầu trước đôi vợ chồng trẻ, bờ vai run rẩy, nước mắt giàn giụa trên mặt.

Đây có lẽ là lần đầu tiên Giản Hạnh thấy Giản Như cúi đầu.

Giản Hạnh nhìn thấy người phụ nữ trẻ vỗ vai Giản Như một cách thản nhiên, còn người đàn ông trẻ thì lấy ra một xấp tiền dày từ trong túi.

Ông đưa cho Giản Như.

Giản Như xua tay từ chối hai lần rồi ôm chặt vào lòng.

Ánh nắng ban ngày gay gắt, hoàng hôn cũng rực rỡ không kém, chiếu vào mắt Giản Hạnh, phủ lên một tầng đỏ như máu.

Nhưng cũng nhờ tầng đỏ ấy, cô nhìn thấy rất rõ nụ cười khó nhận ra trên khóe môi Giản Như khi bà đưa tay nhận tiền.

Bên ngoài phòng bệnh, Giản Hạnh đứng dựa vào tường, cúi đầu xuống, móng tay gần như cào rách cả da thịt mình.

Từ trong phòng, giọng nói mơ hồ vang lên:

"Sao em lại có thể nói như vậy? Anh đã bảo rồi, là anh tự ngã! Liên quan gì đến chiếc xe đậu ở đó?” Giọng Lữ Thành đè xuống rất thấp.

“Thì sao chứ! Biết đâu không có chiếc xe đó, anh đã đi qua được rồi!” Giản Như cũng hạ giọng hơn bình thường, bà cảnh cáo: “Anh có hiểu tình hình của mình không! Chân đã què rồi! Sau này lấy gì kiếm tiền! Anh có thể không ăn, nhưng còn mẹ! Còn Giản Hạnh! Giản Hạnh không đi học nữa sao?”

“Nhưng em cũng không thể…” Giọng Lữ Thành đã thấp đến mức gần như không thể nghe thấy, “Em đây là đang vu oan tống tiền, em có biết không!”

“Tôi lừa ai chứ! Nhìn bọn họ xem, giàu có như thế! Quan tâm gì đến chút tiền này của ta! Người ta chỉ là tốt bụng thôi! Thấy anh nghèo kiết xác, vô dụng, nên bố thí cho anh đấy!” Giản Như nói. “Xe của họ đậu ở đó! Một chiếc xe đáng giá bằng cả đời bò lết của anh! Giờ họ đưa số tiền này chẳng qua là để mua sự yên tâm cho chính họ, anh có hiểu không?”

Lữ Thành im lặng.

Giản Như chẳng quan tâm gì, tiếp tục nói: “Dù sao tiền cũng đã cầm rồi! Xuất viện xong thì chuyển nhà, đến huyện Hòa! Giản Hạnh phải đi học! Tôi nói rồi, con bé nhất định phải đi học! Phải vào đại học! Nó không mang họ Lữ, nó mang họ Giản! Nếu anh không muốn sống tiếp thì ly hôn đi! Tôi dẫn mẹ con nó đi, không cần anh nữa!”

Sau đó…

Những lời tiếp theo Giản Hạnh không còn nghe thấy nữa.

Dù sao thì cuối cùng Lữ Thành cũng sẽ thỏa hiệp thôi.

Có lẽ ông thật sự tin vào lời của Giản Như—rằng người ta đưa tiền, chẳng qua là để mua lấy sự yên tâm cho chính mình.

Bệnh viện chật chội, đi đến đâu cũng đông người, dù trốn vào đâu Giản Hạnh cũng thấy ồn ào.

Vậy nên cô dứt khoát chạy ra khỏi bệnh viện, ngồi xổm bên vệ đường.

Chẳng bao lâu sau, một cặp vợ chồng trẻ đi ngang qua.

Người phụ nữ thở dài, nói: “Không bao giờ muốn đến đây nữa, sợ chết đi được.”

Người đàn ông nắm tay cô ấy, dịu dàng đáp: “Được, sau này không đến nữa.”

Người phụ nữ lại nói: “Chính Thanh đã gọi hai cuộc điện thoại rồi.”

“Biết rồi, về ngay đây.” Người đàn ông nói rồi chợt dừng lại, “Nhưng số tiền lúc nãy… người đó thật sự không phải vì xe của anh sao?”

Người phụ nữ thở dài: “Em còn không biết sao? Nhưng nhìn họ kìa… Haizz, thôi bỏ đi, cũng quá khổ rồi. Nghe nói trong nhà còn một đứa con gái học tiểu học, mẹ hơn sáu mươi tuổi, sức khỏe cũng không tốt… cứ thế đi.”

“Được,” người đàn ông bật cười, “vậy lát nữa em về giải thích với Chính Thanh nhé?”

“Giải thích thì giải thích, em đây là làm việc thiện, có gì mà phải giấu giếm.”

“Em đấy, giờ thì mạnh miệng lắm, lúc nãy chẳng phải vừa khóc vừa kêu ‘chồng ơi’ sao?”

“Ôi trời, lúc đó em sợ mà! Máu nhiều quá, sợ chết đi được.”

“Không sao, không sao, về nhà bảo con trai kể chuyện cho em nghe.”

Tiếng nói dần xa.

Giản Hạnh tựa mặt vào đầu gối, nghiêng đầu nhìn theo bóng dáng họ rời đi.

Nhìn bước chân họ giẫm lên lớp bụi mù mịt, nhưng bụi đất dù có thế nào cũng chẳng thể bám theo kịp.

Đúng lúc này, một cơn gió bất chợt thổi đến.

Giản Hạnh không né tránh, mở to mắt, để mặc bụi phủ kín gương mặt mình.


Bạn đang đọc truyện trên truyenvang.com